Chủ nhật, 24/11/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ tư, 16/03/2022 13:00 (GMT+7)

EU: Xóa sổ nạn phá rừng và mạnh tay cấm tất cả 'sản vật' từ rừng

Theo dõi KTMT trên

Các nhóm môi trường Brazil đã thúc giục Liên minh châu Âu thông qua đạo luật mạnh tay cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nạn phá rừng. EU cần thiết phải chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên khi nhân loại có cơ hội ổn định sự nóng lên toàn cầu.

EU cần bổ sung thêm nhiều sản phẩm từ rừng vào danh sách bị kiểm soát

Lá thư từ 34 tổ chức được gửi tới khi các Bộ trưởng môi trường của Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cho cuộc họp vào ngày 17/3 tại Brussels về đề xuất cấm các sản phẩm gây phá rừng. Các đề xuất này sẽ bao gồm việc áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với hàng nhập khẩu bao gồm thịt bò, đậu tương, dầu cọ, ca cao và cà phê.

Các nhóm cho biết các đề xuất của dự thảo mang tính “cần thiết và tích cực”, nhưng cần “cải tiến” để thực sự chống nạn phá rừng ở các nước xuất khẩu như Brazil, nơi có 60% rừng nhiệt đới Amazon và là nhà xuất khẩu hàng đầu của nhiều sản phẩm liên quan tới nạn phá rừng.

EU: Xóa sổ nạn phá rừng và mạnh tay cấm tất cả 'sản vật' từ rừng - Ảnh 1
Chống nạn phá rừng ở các nước xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

“Phải xóa sổ nạn phá rừng và chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên khi nhân loại đứng trước cơ hội ổn định sự nóng lên toàn cầu”, lá thư được ký bởi các nhóm bao gồm Văn phòng Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) Brazil, Đài quan sát Khí hậu và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên.

Họ cho biết kế hoạch dự thảo, được trình bày vào tháng 11 năm ngoái, định nghĩa "rừng" quá hẹp. Bởi lẽ, "dự thảo loại trừ phần lớn một số hệ sinh thái quan trọng ở Brazil, bao gồm cả vùng đầm lầy Pantanal, thảo nguyên Cerrado và vùng đất thấp Pampa".

Họ cũng kêu gọi các quan chức EU bổ sung thêm nhiều sản phẩm vào danh sách bị kiểm soát, chẳng hạn như bông, ngô và thịt hộp, và đảm bảo các biện pháp thẩm định áp dụng cho toàn bộ các trang trại, không chỉ một phần trong đó.

“Tại các trang trại lớn, chủ sở hữu có thể duy trì một khu vực sản xuất không phá rừng để xuất khẩu sang châu Âu và một khu vực khác để phá rừng”, các nhóm môi trường này cho biết.

Họ cũng kêu gọi "đảm bảo vững chắc" về quyền con người, đặc biệt là để đảm bảo rằng kinh doanh nông nghiệp không đẩy người bản địa khỏi vùng đất của họ.

EU là một trong những khu vực đầu tiên soạn thảo luật như vậy kể từ khi 141 quốc gia ký Tuyên bố Glasgow, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” nạn phá rừng vào năm 2030.

Hàng chục nhà nghiên cứu từ Brazil, Đức và Mỹ đã sử dụng phần mềm để phân tích 815.000 tài sản nông thôn và xác định các khu vực phá rừng bất hợp pháp ở Amazon và Cerrado, rừng xavan nhiệt đới rộng lớn ở trung tâm Brazil.
Raoni Rajao, trưởng dự án và là giáo sư tại Đại học Liên bang Minas Gerais (UFMG) của Brazil cho biết: “Khoảng 18% đến 22% - có thể hơn - xuất khẩu hàng năm từ Brazil sang EU là hậu quả của nạn phá rừng bất hợp pháp".

Châu Âu từng bước quản lý rừng bền vững hơn

EU: Xóa sổ nạn phá rừng và mạnh tay cấm tất cả 'sản vật' từ rừng - Ảnh 2
Virginijus Sinkevičius, Ủy viên EU về môi trường, đại dương và nghề cá. (Ảnh: Internet)

“Chúng ta phải bảo vệ đa dạng sinh học và chống lại biến đổi khí hậu không chỉ ở EU mà trên toàn cầu và việc tiêu thụ của chúng ta không được góp phần vào nạn phá rừng toàn cầu, nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính”, Virginijus Sinkevičius, Ủy viên EU về môi trường, đại dương và nghề cá nhấn mạnh.

Tháng 11/2021, Vương quốc Anh đã thông qua luật cấm các sản phẩm liên quan đến phá rừng bất hợp pháp. Tháng 10/2021, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đề xuất dự luật buộc các nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc mất rừng. Tuy nhiên, không giống như đề xuất của châu Âu, cả hai biện pháp này đều không nhằm vào các động cơ phá rừng hợp pháp.

Từ giữa tháng 11/2021, EU với 1 đề xuất mới đầy tham vọng nhằm điều chỉnh việc nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến mất rừng toàn cầu. Các ngành có một số hồ sơ theo dõi môi trường nghiêm trọng nhất bao gồm đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao và cà phê, thuộc da, sô cô la và đồ nội thất.

Luật này sẽ buộc các nhà sản xuất phải chứng minh sản phẩm của họ không góp phần phá rừng dù là hợp pháp hay bất hợp pháp. Điều này cũng có nghĩa là các nhà cung cấp phải nâng cao tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm xuất khẩu hoặc có nguy cơ bị mất thị trường gồm 27 quốc gia và 450 triệu dân.

EU: Xóa sổ nạn phá rừng và mạnh tay cấm tất cả 'sản vật' từ rừng - Ảnh 3
Nhập khẩu cà phê cũng liên quan đến nạn mất rừng toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Về phía mình, các nhà nhập khẩu cũng phải đáp ứng các biện pháp truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như chia sẻ tọa độ địa lý nơi sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, Luật cũng thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn để xác định quốc gia nào có nguy cơ mất rừng cao nhất và cam kết 1 tỷ euro để giúp quốc gia đó phát triển các chương trình quản lý rừng bền vững hơn.

EU dự đoán đề xuất mới sẽ cắt giảm ít nhất 31,9 triệu tấn khí thải carbon hàng năm và tiết kiệm khoảng 3,2 tỷ euro.

“Châu Âu cuối cùng cũng tiến tới thực hiện các bước chống lại nạn phá rừng mà họ vốn thúc đẩy, và họ đang làm điều đó không phải bằng cách đặt gánh nặng lên người tiêu dùng mà là các công ty lớn sản xuất các sản phẩm này. Nếu chúng ta muốn thay đổi, chúng ta cần phải điều chỉnh các ngành công nghiệp gây ra nạn phá rừng”, Nico Muzi, giám đốc châu Âu thuộc nhóm vận động môi trường Mighty Earth chia sẻ.

Châu Âu là nhà nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng, theo báo cáo của WWF năm 2021. Trong những năm gần đây, thương mại sang khu vực này đã lấy đi khoảng 16% diện tích rừng của thế giới.

Ủy ban Châu Âu cho biết đề xuất ngăn phá rừng nằm trong gói các sáng kiến ​​môi trường được công bố gần đây bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn đối với chất thải và buôn lậu chất thải cũng như cải thiện các biện pháp bảo vệ đất để tăng lưu trữ carbon trong các khu vực nông nghiệp, chống sa mạc hóa và khôi phục đất bạc màu.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết EU: Xóa sổ nạn phá rừng và mạnh tay cấm tất cả 'sản vật' từ rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới