Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ ba, 15/08/2023 10:07 (GMT+7)

Giá giường bệnh theo yêu cầu tăng có ảnh hưởng đến người tham gia BHYT không?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Y tế khẳng định, việc ban hành Thông tư 13/2023/TT- BYT không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ 

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp.

Theo Bộ Y tế, mục đích ban hành Thông tư là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật; đồng thời, khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Bên cạnh đó, Thông tư góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

Giá giường bệnh theo yêu cầu tăng có ảnh hưởng đến người tham gia BHYT không? - Ảnh 1
Việc ban hành Thông tư 13/2023/TT- BYT không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT.

Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: đơn vị được thu theo giá thoả thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế như sau:

Giá giường bệnh theo yêu cầu tăng có ảnh hưởng đến người tham gia BHYT không? - Ảnh 2

Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt;...

Không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT

Bộ Y tế nêu rõ, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.

Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Thông tư của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Thông tư này của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Phương án "giữ chân" người dân

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh. Thực tế tại Thông tư này, Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh cũng như giường bệnh rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình.

"Thông tư này theo đánh giá của tôi là hết sức quan trọng để thực hiện nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Trên thực tế hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Nếu các bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt, người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước.

Thực tế chuyên môn của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ta, nhất là bệnh viện tuyến cuối ở nước ta không hề thua kém các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, khả năng của mình"- ông Cơ nói.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Giá giường bệnh theo yêu cầu tăng có ảnh hưởng đến người tham gia BHYT không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới