Chủ nhật, 24/11/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ hai, 25/07/2022 17:00 (GMT+7)

Giải pháp nào để tiết kiệm điện trong những ngày miền Bắc bước vào đợt nắng nóng mới?

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc đang bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải điện tăng trưởng mạnh. Do đó, việc sử dụng điện tiết kiệm góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Kiểm soát các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn

Theo Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), nắng nóng kéo dài làm tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Theo thống kê, lượng điện tiêu thụ của máy lạnh chiếm từ 28 - 64% và tại một số trường hợp cá biệt có thể lên tới 80% chi phí tiền điện của cả gia đình. Thời tiết nắng nóng nên người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn.

Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Bởi, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng tiêu thụ của máy lạnh tăng thêm 2 - 3%...

Theo ông Lê Văn Trang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), điện là một loại hàng hóa đặc biệt, tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung đã trở thành quốc sách. Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Việc sử dụng điện tiết kiệm góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Giải pháp nào để tiết kiệm điện trong những ngày miền Bắc bước vào đợt nắng nóng mới? - Ảnh 1
Lượng điện tiêu thụ của máy lạnh chiếm từ 28 - 64% và tại một số trường hợp cá biệt có thể lên tới 80% chi phí tiền điện của cả gia đình. (Ảnh minh họa)

Riêng với khách hàng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí hóa đơn tiền điện hằng tháng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp, việc tiết kiệm điện sẽ góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Miền Bắc, miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục, người dân có nhu cầu sử dụng các thiết bị điện giải nhiệt tăng cao, do đó công suất tiêu thụ điện vì thế liên tục lập “đỉnh” mới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam lo ngại tình trạng thiếu điện, cắt điện sẽ sớm hiện hữu nếu mỗi người dân, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng điện “thả ga”. Dù vậy, để khuyến khích tiết kiệm điện giới chuyên gia nhấn mạnh các quy định, chính sách phải rõ ràng.

Đề xuất giải pháp, ông Trần Văn Gia, Trưởng Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) lưu ý, người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn như điều hòa nhiệt độ, các thiết bị làm mát…Theo ông Gia, thiết bị điều hòa không khí có mức tiêu thụ điện lớn chiếm 28%- 64%, cá biệt có trường hợp chiếm 80% chi phí điện năng của cả gia đình. Chỉ cần nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 – 3%, khi nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.

“Để vừa tránh hóa đơn tiền điện tăng, mọi người nên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ ban ngày từ 26-28 độ C (khi nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C), ban đêm từ 25-27 độ C. Riêng các thiết bị điện khác, nếu không sử dụng chúng ta nên tắt nguồn, rút phích cắm, không để chế độ ngâm điện để vừa tiêu hao điện năng mà còn tránh được nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư”, ông nói.

Các gia đình nên chọn máy điều hòa có công suất phù hợp với căn phòng, có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử sẽ tiết kiệm khoảng 30% điện năng. Việc dùng quạt kết hợp điều hòa ở mức 28 độ C sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.

Sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh đến năm 2025

Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện, và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.

Trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như nguy cơ cháy nổ trong gia đình và để bảo đảm cân đối được cung - cầu điện, EVN đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Ngoài ra, đối với khách hàng là các doanh nghiệp, do giá điện giờ thấp điểm rẻ hơn giờ cao điểm và giờ bình thường nên cần bố trí hợp lý các ca sản xuất hoặc các dây chuyền tiêu thụ nhiều điện vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể lắp đặt các hệ thống máy biến tần; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; lắp đặt đèn LED trong chiếu sáng...

Với các hộ gia đình, nên sử dụng đèn LED tiết kiệm điện; đóng kín cửa khi sử dụng điều hòa, nên để điều hòa ở nhiệt độ 25-28 độ C; tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không nên đóng mở tủ quá nhiều lần; bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên; rút các đồ điện tử ra khỏi ổ điện khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị có công nghệ tiết kiệm điện inverter; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và gió từ môi trường tự nhiên. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), vấn đề tiết kiệm điện đã được Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều quyết định, chỉ đạo về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

“Thời gian tới, cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt, lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam”, ông Vũ quả quyết.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để tiết kiệm điện trong những ngày miền Bắc bước vào đợt nắng nóng mới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới