Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/11/2022 06:55 (GMT+7)

Giảm lạm phát: Thách thức lớn nhất của mọi quốc gia đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên, với mức lạm phát cao sẽ kéo dài dai dẳng và rất khó để kiểm soát.

Giảm lạm phát: Thách thức lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu hiện nay

Ngày 10/11, phát biểu tại một hội nghị ở Washington, Mỹ, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết: Thách thức lớn nhất mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt hiện nay là giảm lạm phát.

Bà Georgieva cho rằng: Các nhà hoạch định chính sách nên áp dụng các biện pháp có mục tiêu để giảm giá thực phẩm và nhiên liệu hiện đang tăng cao đồng thời tránh các bước đi có thể làm tăng lạm phát hoặc làm chệch hướng chính sách tiền tệ,

Giảm lạm phát: Thách thức lớn nhất của mọi quốc gia đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay - Ảnh 1
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: Reuters)

Theo Hãng tin Reuters, bà Gita Gopinath - Phó giám đốc thứ nhất IMF cho biết: Đồng USD mạnh lên, hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 20 năm và sự lo ngại về sự tính dễ tổn thương của hệ thống tài chính trước khủng hoảng đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường hiện tại. Bà cho rằng "không có chỗ cho những bước đi sai lầm".

Bà Gopinath nói: "Có một lối đi rất hẹp để mọi thứ đi đúng hướng" và lưu ý rằng sự tăng giá mạnh của đồng USD có ý nghĩa kinh tế vĩ mô quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bà Gopinath khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách theo dõi cẩn thận các chỗ yếu tiềm ẩn trong nền kinh tế. Bà cho rằng dữ liệu về rủi ro với sự ổn định tài chính do các đòn bẩy trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng gây ra đang thiếu trầm trọng.

Giá cả tăng vọt trong năm qua khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 va chạm với nhu cầu tiêu dùng cao được thúc đẩy bởi hỗ trợ tài chính và tiền tệ chưa từng tiền lệ có kể từ khi bắt đầu đại dịch. Cuộc chiến tranh quy mô toàn diện mà Nga phát động ở Ukraine đã gây ra một loạt cú sốc hàng hóa tạo, dẫn đến nhiều hạn chế về nguồn cung và tăng giá.

Những động lực này buộc các ngân hàng trung ương phải quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát không ngấm sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng với khả năng hạn chế của họ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn cung, nhiều chuyên gia lo ngại họ sẽ buộc phải chấp nhận nỗi đau kinh tế hơn nhiều so với trước đây để khôi phục sự ổn định giá cả.

Lạm phát gây ra thách thức lớn đối với nền kinh tế châu Á

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang hụt hơi. Tại châu Á, Nhật Bản quý I đã tăng trưởng âm, các dự báo cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đã điều chỉnh giảm do tình hình khó khăn chung và ảnh hưởng từ cả các nỗ lực chống dịch của nước này. Lạm phát, giá cả các mặt hàng cao cũng tạo áp lực lên nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Giảm lạm phát: Thách thức lớn nhất của mọi quốc gia đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay - Ảnh 2
Giảm lạm phát - thách thức lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á trong bối cảnh sự phục hồi còn bấp bênh. Dự báo mới nhất của IMF đánh giá kinh tế châu Á năm nay tăng trưởng 4,9%, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP khu vực sẽ tăng 5,2% vào năm nay và 5,3% vào năm sau. Kinh tế khu vực vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nhưng các số liệu như vậy vẫn cao hơn mặt bằng dự báo chung cho kinh tế thế giới và nhiều khu vực khác.

Ông Albert Park - Nhà Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: "Có ba rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế châu Á. Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gia tăng bất ổn, gián đoạn thương mại toàn cầu và giá cả các mặt hàng như năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Thứ hai, các điều kiện tài chính đang được thắt chặt trên toàn cầu và trong khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương dự kiến thắt chặt chính sách khi áp lực lạm phát gia tăng, làm chậm sự phục hồi kinh tế. Cuối cùng, chúng ta vẫn phải vật lộn với COVID-19 các biến thể mới và nguy hiểm hơn vẫn có thể xuất hiện và tàn phá".

Các khó khăn kinh tế trải dài tại nhiều khu vực của châu Á. Tại Đông Á, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,4%, theo IMF, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà nước này đề ra. Hệ lụy từ các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt, các chuỗi cung ứng lớn bị gián đoạn.

Trong khi tại Nhật Bản, kinh tế nước này đã tăng trưởng âm trong quý I/2022, giá tiêu dùng tăng cao, đồng nội tệ mất giá, lạm phát vượt mục tiêu đề ra.

Ông Eiichi Shindo - Giáo sư danh dự của Đại học Tsukuba, Nhật Bản - cho biết: "Nếu đồng Yen tiếp tục giảm giá như hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn. Đồng Yen giảm giá khiến chúng ta phải suy ngẫm về những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong nền kinh tế Nhật Bản".

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực Trung Đông - Trung Á. Xung đột Nga - Ukraine khiến lạm phát tại khu vực được dự báo tăng cao, ở mức 13,9% trong năm nay do giá lương thực, năng lượng cao hơn.

Còn tại Nam Á, Ấn Độ được xem là điểm sáng khi tăng trưởng kinh tế được IMF dự báo tăng 8,2% trong năm nay. Tuy nhiên, giới kinh tế vẫn chỉ ra một số rủi ro như rủi ro từ chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích kinh tế hay bài toàn thiếu hụt năng lượng.

Về tổng thể, kinh tế châu Á vẫn được đánh giá đang trong tiến trình phục hồi song còn thiếu ổn định, đòi hỏi các quốc gia nỗ lực ứng phó hiệu quả các thách thức lớn như Covid-19, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp so với các nền kinh tế khác

Nếu so sánh với Trung Quốc và một số quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. The dữ liệu từ Financial Times cho thấy: Tong tháng 9 vừa qua, lạm phát ở Việt Nam là 4%, so với mức 2,8% ở Trung Quốc; 6% ở Indonesia; 6,4% ở  Thái Lan; và 7,5% ở Singapore.

Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế có mức lạm phát trung bình 4 - 6%. Trong khi đó, có nhiều nền kinh tế đang có lạm phát ở mức hai con số, tập trung ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, như Pakistan (hơn 23%); Ethiopia (gần 31%); Nga (14,2%); Ukraine (gần 25%); Đức và Anh (đều hơn 10%); Argentina (83%); Venezuela (hơn 114%)…

Về dự báo lạm phát năm 2023 đưa ra ở thời điểm tháng 10/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm của Việt Nam được cho là sẽ dưới mức 4%. Mức dự báo CPI 2023 này của Việt Nam cao hơn so với mức dự báo dành cho Trung Quốc và Thái Lan (đều dưới 3%), nhưng thấp hơn so với mức dự báo dành cho Singapore và Indonesia.

Dù nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới được cho là sẽ rơi vào cảnh tốc độ lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, theo dự báo đưa ra ở thời điểm tháng 10/2022, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2023 sẽ đạt trên 7%, cao hơn nhiều so với mức dự báo lạm phát 4%.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Giảm lạm phát: Thách thức lớn nhất của mọi quốc gia đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới