Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/04/2023 10:10 (GMT+7)

Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.

Sau 2025, không lưu hành nhựa dùng 1 lần

Để hạn chế rác thải, Việt Nam đã đưa ra lộ trình về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa, được cụ thể hóa tại các văn bản Luật, Nghị định. Liên quan đến, lĩnh vực du lịch, Nghị định 08/NĐ-CP quy định, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các khu, điểm du lịch.

Tính toán của Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy, năm 2019, với 18 triệu khách quốc tế và 43,5 triệu khách nội địa đã thải ra môi trường tổng cộng 116.144 tấn rác thải nhựa. Do đó, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, điển hình là Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Vấn đề quản lý chất thải nhựa tại các khu du lịch ven biển cũng đã được đề cập đến trong các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa biển, rác thải nhựa đại dương đối với nguồn phát sinh từ hoạt động du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan môi trường, từ đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, ngành du lịch đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường.

Trong đó, ngành đã xây dựng Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch “Go Green - Du lịch Xanh” cam kết chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch,… Trong chiến lược phát triển, ngành du lịch luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Nhiều sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa

Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của việc bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch. Tại các địa phương phát triển du lịch như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội… đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi ni-lông, vật dụng nhựa trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa - Ảnh 1

Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, Cù Lao Chàm là khu du lịch đầu tiên trên cả nước “nói không” với túi ni-lông. Các hoạt động truyền thông về tác hại của túi ni-lông thường xuyên được đẩy mạnh. Trong khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, người dân được tặng các loại giỏ, túi xách thay thế cho túi ni -lông khi đi chợ, các tiểu thương thay túi ni lông bằng túi giấy làm từ các loại giấy báo cũ. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã chung tay vào giảm rác nhựa như đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước vào bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai; ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng.

Tại Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước. Tại huyện Cô Tô cũng triển khai đề án “Hạn chế sử dụng túi ni-lông”; cấp phát miễn phí hàng nghìn chiếc làn và túi đựng sinh thái cho các hộ gia đình trên đảo để đi chợ.

Theo ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn…, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều vi phạm trong việc xả thải. Một trong những nguyên nhân là chế tài xử lý những hành vi vi phạm còn thấp. Do đó, để giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch. Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển.

Việc giải quyết những thách thức từ rác thải nhựa là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng giá trị cho du lịch Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, nhất là trong bối cảnh du lịch xanh đang trở thành xu thế chung. Làm được điều này, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong “dòng chảy” phát triển xanh, đạt được mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh trên thế giới.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch:

Cần xây dựng hướng dẫn về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch

Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa - Ảnh 2

Ngành du lịch đã đề ra quan điểm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy “tôn trọng môi trường” làm nguyên tắc, ưu tiên, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên. Ưu tiên phát triển du lịch biển đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khi đó, sự tồn tại của rác thải nhựa đang gây áp lực lớn đến môi trường, làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch. Chính vì vậy, trong lĩnh vực du lịch cần phải xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa; Xây dựng các hướng dẫn về giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông tại các điểm, đơn vị kinh doanh du lịch. Thực hiện lộ trình giảm thiểu, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi ni-lông khó phân huỷ vào năm 2025. Đồng thời, cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa phù hợp với định hướng phát triển du lịch; thực hiện các biện pháp mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) để thu hồi, tái chế và giảm thiểu các loại vỏ chai nhựa thải ra môi trường.

Ngoài ra, việc giáo dục, tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm hạn chế rác thải nhựa nhiện nay. Theo đó, cần tập trung tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, nhân dân địa phương, nhất là nơi có khu, điểm du lịch.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam:

Ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch không rác thải nhựa

Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa - Ảnh 3

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.

Để tiếp tục triển khai định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, sở sẽ tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp du lịch về việc quản lý rác thải nhựa, thực hành giảm thiểu rác thải nhựa. Triển khai vận động, tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tái chế rác thải nhựa, hướng đến tham gia thực hành đánh giá, chấm điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mạnh mô hình du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Nam liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch xanh. Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế tạo nguồn lực phát triển du lịch xanh; phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch xanh. Thực hiện các kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường, hành động về rác thải nhựa, chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh. Xây dựng mô hình du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân học tập, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam.

Ngành cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch xanh Quảng Nam trong và ngoài nước; triển khai, vận động các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quà tặng lưu niệm từ các vật liệu xanh, thân thiện môi trường; xây dựng phim, vlog quảng cáo du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh để quảng bá trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.

Ông Phạm Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình:

Tăng cường điểm thu gom rác thải

Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa - Ảnh 4

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Cụ thể, ngành đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền về thu gom rác thải đến Ban quản lý các khu, điểm du lịch và đến các hộ dân nằm trong khu di sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình điểm giảm chất thải rắn, rác thải nhựa tại các điểm du lịch: Khu Du lịch sinh thái Tràng An, Khu Sinh thái Vân Long.

Hướng tới đón du khách đến Ninh Bình, đặc biệt là du khách quốc tế, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu bổ sung sản phẩm du lịch mới và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch. Chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du lịch triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường các điểm thu gom rác thải ở các khu vực bán vé, thuyền đi trên sông và khu vực của nhà hàng; tập trung thu gom rác thải trong ngày.

Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về du lịch xanh; các kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch không rác thải nhựa, mô hình du lịch xanh, bền vững. Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh, bền vững từ các doanh nghiệp tiên phong điển hình cho cộng đồng. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan và bảo tồn, gắn với phát triển du lịch bền vững đến người dân và du khách để cùng chung tay trong công tác giảm rác thải nhựa.

Bạn đang đọc bài viết Giảm rác thải nhựa - Nâng tầm du lịch xanh - Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới