Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Thứ ba, 01/03/2022 18:00 (GMT+7)

Giao thông đường thủy: Nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ an toàn

Theo dõi KTMT trên

Vụ tai nạn lại đặc biệt nghiêm trọng tại biển Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam thêm một lần nữa báo động “đỏ” về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy.

Trong mấy năm gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về tài sản, tính mạng của người dân khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 25/2/2020, trên sông Vu Gia (chảy qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chiếc thuyền chở 10 người đến giữa sông thì bị lật, làm chết 6 người. Ngày 8/5/2020, trên sông Thu Bồn (đoạn chảy qua xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, giáp ranh với TP Hội An), ghe chở 11 người đang lưu thông trên sông bất ngờ bị lật chìm; có 6 người được kịp thời cứu vớt, 5 người thiệt mạng.

Giao thông đường thủy: Nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ an toàn - Ảnh 1
Vụ tai nạn thương tâm ở biển Cửa Đại. (Ảnh: suckhoedoisong.com)

Tại tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 17/2/2021, tàu du lịch mang BKS - QN 5198 của Công ty TNHH Trường Hải, do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng, chở 21 khách du lịch nghỉ đêm tại khu vực Đảo Ti-Tốp, Vịnh Hạ Long đã bị đắm. Hậu quả khiến 12 người tử vong, chỉ có 9 hành khách và nhân viên tàu được cứu sống, 12 người khác tử vong.

Gần đây nhất, sự việc chìm ca nô trên biển Cửa Đại (Quảng Nam) khiến dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót. Chuyến tàu du lịch “định mệnh” ấy đã bất ngờ gặp nạn trên biển Cửa Đại, cướp đi sinh mạng của 17 hành khách.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ tính riêng năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 35 người và 1 người bị thương. Tháng 1/2022 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết, tháng 2/2022 xảy ra 4 vụ 2 người chết (chưa tính vụ chìm ca nô ở Quảng Nam)…

Giao thông đường thủy: Nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ an toàn - Ảnh 2
Tai nạn giao thông đường thủy nguy hiểm hơn đường bộ. (Ảnh: antoanyte.vn)

Có thể nói, số lượng vụ tai nạn giao thông đường thủy thường xảy ra ít hơn giao thông đường bộ, tuy nhiên tai nạn giao thông đường thủy nguy hiểm hơn đường bộ. Khi xảy ra tai nạn đường thủy thường gây hậu quả nặng nề, rất khó khắc phục, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng khó khăn hơn…

Quay trở lại vụ tai nạn trên biển Cửa Đại cướp đi sinh mạng của 17 người. Đây là một vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, số người tử vong cao. Các đơn vị chức năng Công an tỉnh Quảng Nam đang tiến hành lấy lời khai những người liên quan và tổ chức điều tra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo một số ngư dân địa phương, đây là chuyến tàu có nhiều điểm bất thường ở một số khâu quản lý. Bất thường bởi những ngày này biển Cửa Đại đang xuất hiện sóng to gió lớn khiến nhiều tàu ngư dân cũng phải nằm bờ…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan.

Rồi đây nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ nhưng dẫu thế nào thì nỗi đau, sự mất mát vẫn là quá lớn. Và phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng thì mới có ý kiến chính xác về việc này.
Với vụ tai nạn thương tâm kể trên, cùng với việc khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích thì Cục Cảnh sát giao thông đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thuỷ nội địa. Bao gồm: Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…

Với nội dung gồm: Điều kiện hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan. Đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách. Kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.

Thông qua công tác rà soát sẽ làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn; phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.

Trao đổi với báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin: “Sau khi có kết quả điều tra sẽ tổ chức một hội nghị chung liên ngành nhằm đánh giá lại quy định pháp luật liên quan về vấn đề an toàn vận tải, vấn đề kết cấu hạ tầng và phương tiện để hoàn thiện những quy định đảm bảo giảm thiểu mọi nguy cơ rủi ro cho quá trình khai thác”.

Có thể nói đó là việc làm cần thiết. Nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu đó là việc làm thường xuyên, không để “mất bò mới lo làm chuồng” vì chỉ có như vậy mới ngăn ngừa được những vụ tai nạn nghiêm trọng đối với những hành trình lênh đênh sóng nước.

Muốn thế, theo một số chuyên gia về giao thông, cần xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông, trong đó Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Đáng chú ý, mỗi chúng ta phải chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông về đường thủy và cần phải chặn nguyên nhân gây tai nạn từ “gốc” thì sẽ hạn chế được các vụ tai nạn. Những lúc thời tiết biển động không nên tham gia giao thông đường thủy, chủ doanh nghiệp, người lái tàu, thuyền phải nghiêm tục thực hiện các quy định về vận tải hành khách trên tàu, thuyền. Cùng với đó phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ tàu, người lái tàu. Bởi nếu họ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đường thủy và hạn chế số lượng thiệt hại, thương vong chẳng may có xảy ra.

Song song với đó, công tác quản lý nhà nước, xử lý các vi phạm lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm. Cần áp dụng các biện pháp mạnh có tính răn đe, giáo dục, đặc biệt đối với những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm cảng, bến, phương tiện hoạt động không phép, trái phép hoặc không đủ điều kiện kỹ thuật, tàu chở quá số người quy định, không đảm bảo các thiết bị an toàn thì phải kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử phạt thật nghiêm minh để ngăn chặn hậu họa ngay từ đầu.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giao thông đường thủy: Nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ an toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới