Chủ nhật, 24/11/2024 11:31 (GMT+7)
    Thứ năm, 02/06/2022 16:30 (GMT+7)

    Gói hỗ trợ lãi suất tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán

    Theo dõi KTMT trên

    Theo giới chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất này chỉ tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán. Do đó, về phía nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán "ăn theo" gói hỗ trợ lãi suất này.

    Ngày 20/5/2022, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định trên.

    Thời gian thực hiện trong năm 2022 và 2023 hoặc có thể kết thúc sớm hơn khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

    Gói hỗ trợ lãi suất tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Sau khi VN-Index giảm tới 24% so với đỉnh chỉ trong gần 2 tháng chóng vánh từ 1.524 điểm về mức 1.15x điểm thì việc công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% như một "cái phao" cứu cánh thị trường với kỳ vọng "tiền rẻ" mùa 2 quay về. Thật trùng hợp, VN-Index đã có 2 tuần hồi phục ấn tượng với gần 150 điểm. Nhiều kỳ vọng được đặt ra với "tiền rẻ" mùa 2 này bởi gói hỗ trợ lãi suất quy mô 40.000 tỷ đồng, tương ứng lượng tín dụng ưu đãi lên tới 1 triệu tỷ đồng.

    Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất này chỉ tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán. Do đó, về phía nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán "ăn theo" gói hỗ trợ lãi suất này.

    Cụ thể, tham vấn một chuyên gia chứng khoán, vị này phân tích rõ ràng các nội dung khiến gói lãi suất có thể sẽ không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán như mọi người kỳ vọng.

    Thứ nhất, gói hỗ trợ được xây dựng có tính toán và mục đích rõ ràng, bơm tiền nhưng "bơm thẳng vào ven" - tức chỗ cần vốn chứ không hỗ trợ dàn trải gây hiệu ứng ngược và rủi ro cho hệ thống tín dụng. Điều này thể hiện rõ ở đối tượng hỗ trợ lãi suất đó là các doanh nghiệp hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến chế tạo, lập trình máy vi tính, dịch vụ thông tin, xây dựng phục vụ cho các ngành kinh tế nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

    Như vậy, các ngành/doanh nghiệp hỗ trợ rất rõ ràng, ngành chứng khoán và bất động sản không thuộc danh mục được hỗ trợ.

    Thứ hai, "tiền rẻ" mùa 2 đến từ việc cắt giảm lãi suất của các nhà băng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đến đâu lại phụ thuộc vào từng nhà băng trên cơ sở đánh giá khả thi của dự án/doanh nghiệp cần hỗ trợ vay vốn bởi các quy định về tỷ lệ nợ xấu ràng buộc. Do đó, dấu hỏi về lượng vốn được hỗ trợ giảm lãi suất vẫn còn bỏ ngỏ bởi trước đó nhiều gói hỗ trợ lãi suất gặp khó về giải ngân. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát - lãi suất vốn được mệnh danh là "kẻ thù của chứng khoán" đang ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, và Việt Nam khó có thể nằm ngoài vòng xoáy này.

    Thứ ba,so với "tiền rẻ" mùa 1 đến từ việc các nhà băng hạ lãi suất đầu vào, tiền của người dân ồ ạt đổ vào chứng khoán khiến thanh khoản tăng vọt, có thời điểm cuối năm 2021 thanh khoản chứng khoán đạt 30.000 - 40.000 tỷ/phiên. "Tiền rẻ" mùa 2 được "bơm thẳng vào ven" của doanh nghiệp/ngành cần hỗ trợ sau đại dịch do đó, rất khó để kéo thanh khoản chứng khoán tăng bùng nổ như cách đây vài tháng. Hiện VN-Index đang giao dịch ở mức 11.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên trong tháng qua.

    Thứ tư, chứng khoán có thể được hưởng lợi gián tiếp từ sự phục hồi của các ngành/doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất như hàng không, du lịch, nông nghiệp… Được hỗ trợ hồi phục sau dịch từ đó doanh nghiệp kinh doanh tốt lên, tác động tới giá cổ phiếu.

    "Tiền rẻ lần này có tính chất khác so với năm 2020-2021 do đó sẽ không tác động trực tiếp nhiều đến thị trường chứng khoán, rất khó để trở về thanh khoản tỷ USD, dòng tiền mua bán sôi động như thời kỳ tiền rẻ năm 2021.

    Về đối tượng hỗ trợ, theo Nghị định được ban hành, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Cùng với đó, các khoản vay gia hạn nợ cũng sẽ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ. Do vậy không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được gói hỗ trợ, mà chủ yếu là các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, thường doanh nghiệp đầu ngành sẽ dễ tiếp cận hơn", vị chuyên gia phân tích.

    Về mặt tích cực, Agriseco đánh giá gói hỗ trợ lãi suất lần này kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6.5% của Chính phủ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng nguồn vốn sai mục đích có thể dẫn tới những hiệu ứng không mong muốn cho nền kinh tế.

    Đối với thời điểm hiện tại, Agriseco kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực nhưng không quá mạnh mẽ do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều so với 2009. Cụ thể, vốn hóa của thị trường chứng khoán cuối năm 2009 là 620 nghìn tỷ đồng, đạt 45% GDP, trong khi vốn hóa thị trường chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2021 đạt gần 5,8 triệu tỷ đồng, đạt gần 93% GDP.

    "Chúng tôi cũng cho rằng đà tăng trưởng của thị trường sẽ xuất phát từ việc cải thiện kết quả kinh doanh và năng lực nội tại doanh nghiệp thay vì sự thúc đấy từ dòng tiền đầu cơ", báo cáo Agriseco đánh giá có 2 đối tượng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này là ngân hàng và các nhóm doanh nghiệp hoạt động trong các ngành được hỗ trợ lãi suất.

    Lưu Minh 

    Bạn đang đọc bài viết Gói hỗ trợ lãi suất tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới