Hà Nội đã 'loại bỏ' hơn 96% số lượng bếp than tổ ong
Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 2.056 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 52.436 bếp, giảm 96,23% so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2017.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ hơn 500 tấn than, đồng thời thải ra 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 với mục tiêu đặt ra đến ngày 31/12/2020, các địa phương phải xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô đã giảm mạnh, nhiều nơi đã xóa bỏ được hoàn toàn loại bếp này.
Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 2.056 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 52.436 bếp, giảm 96,23% so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2017.
Theo đó, có nhiều quận, huyện đã hoàn thành xóa 100% bếp than tổ ong, như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ bếp than tổ ong cao, như: Hoàng Mai còn 253 bếp, Thanh Oai 233 bếp, Hà Đông 193 bếp, thị xã Sơn Tây 179 bếp, Gia Lâm 151 bếp...
Để hoàn thành xóa bếp than tổ ong vào cuối quý II-2021, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của thành phố; đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về kết quả xóa bếp than tổ ong trước UBND thành phố.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Hiện nay, những gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Vậy, để có thể xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ra khỏi Thủ đô cần phải có các quy hoạch cụ thể những khu vực nào, những gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong. Sau đó, vận động các hộ dân không sử dụng nữa đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá tiền điện, sử dụng bếp từ...
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, để việc xóa bếp than tổ ong tại Hà Nội đem lại hiệu quả thực chất, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ có thể dẫn đến những hệ lụy.
“Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền phải nghiên cứu giải pháp tối ưu nhất, thích hợp nhất. Vừa có sự vận động, hỗ trợ cho người dân. Nhưng với trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm, công khai để tạo tính răn đe. Đặc biệt, lưu tâm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao vai trò của các cấp quản lý cơ sở từ xã, phường, tổ dân phố… nắm bắt được từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Minh Phương