Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/01/2022 10:30 (GMT+7)

Hà Nội: Triển lãm lan tỏa thông điệp về giảm rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Triển lãm Truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa được tổ chức từ ngày 7-16/1/2022 nhằm mục tiêu lan tỏa thông điệp về việc thay đổi ý thức và hành vi của từng cá nhân trong việc hạn chế sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa.

Thay đổi hành vi con người, bước qua những trở ngại trong tư duy, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và "xả rác có tâm", cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác... là những giải pháp cơ bản trọng tâm. Nhưng chưa đủ. Vấn đề mấu chốt ở đây lại là các quy định pháp lý.

Triển lãm truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa nhằm mục tiêu lan tỏa thông điệp về việc thay đổi ý thức và hành vi của từng cá nhân trong việc hạn chế sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa.

Triển lãm là một trong những hoạt động của Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa” do Viện CLCSTN&MT phối hợp với các đối tác đồng hành bao gồm WWF-Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Viet Nam), Đại sứ quán Hà Lan, Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường (VB4E), Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức tại Cửa hàng Decathlon tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City, Hà Nội từ ngày 7-16/1/2022.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, Viện đang phối hợp với Sở Công Thương TP.Hà Nội thành lập “Liên minh bán lẻ giảm túi ni-lông sử dụng một lần” với sự tham gia của 15 nhà bán lẻ. Đây là sáng kiến của Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” do Liên minh Châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam. Thông qua Triển lãm, người xem sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn và sẽ thay đổi hành vi để hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần.

Một trong những vấn nạn nhức nhối về ô nhiễm mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ thải ra môi trường mỗi năm, trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. Ước tính từ thống kê của các cơ quan quản lý về môi trường, trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó, có khoảng hơn 30 tỷ túi nilong.

Túi ni lông hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, đến ven biển… Đơn cử, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilong/tháng. Hơn 80% số này đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà phổ biến là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm.

Hà Nội: Triển lãm lan tỏa thông điệp về giảm rác thải nhựa - Ảnh 1
Rác thải nhựa khắp nơi ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, về cơ bản, nếu chỉ dựa vào đội ngũ thu gom phế liệu, các cơ sở chế biến bao bì thủ công, chúng ta vẫn “đãi” được một lượng túi nilong, sản phẩm nhựa và một phần các thứ có thể tái chế, nhưng khối lượng không nhiều, không đủ sạch cho các nhà máy xử lý được đầu tư hàng triệu USD. Điều đó dẫn đến bất cập lựa chọn công nghệ xử lý rác bị phụ thuộc vào đặc điểm nguồn rác hiện có, chứ không theo các tiêu chuẩn đầu ra về sản phẩm và chỉ số môi trường.

Chưa kể, ngay trong thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy sự lên ngôi của xu hướng mua sắm online. Với hoạt động ship hàng khắp mọi miền đất nước, người bán phải “gia cố” hàng hóa trong nhiều lớp nilong. Trong khi đó, sau khi nhận sản phẩm, người mua hàng cũng không thể tận dụng lại túi nilong hoặc không muốn tận dụng nên lượng rác thải nhựa cứ thế càng đầy lên, tạo áp lực với môi trường sống.

Chúng ta phấn chấn với sự xuất hiện của những ống hút bằng tre, túi đựng bằng giấy, túi tự hủy… Song, đó mới chỉ là một vài điểm sáng để khởi tạo nên thói quen và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chứ chưa đi sâu sát vào trong đời sống sinh hoạt của đại đa số người dân.

Hà Nội: Triển lãm lan tỏa thông điệp về giảm rác thải nhựa - Ảnh 2
Chương trình triển lãm diễn ra từ ngày 7-16/1. (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Việc tuyên truyền về việc mang túi và hộp nhựa dùng nhiều lần đi chợ của cơ quan chức năng chỉ diễn ra nhất thời và chưa đủ để “mưa dầm thấm lâu”. Người dân thiếu trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường càng làm cho lượng rác thải nói chung, lượng rác thải nhựa nói riêng ngày càng gia tăng và không kiểm soát được. Do vậy, ngăn rác thải nhựa đến lúc trở thành chính sách quốc gia để tạo nên thói quen tập thể chứ không chỉ là phong trào nhỏ lẻ.

“Trong khuôn khổ hợp tác triển khai Triển lãm lần này, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, từ đó, thúc đẩy các thực hành kinh doanh và tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt là trong giai đoạn mua sắm cao điểm trước thềm Tết Nguyên Đán.” - Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý – Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF-Việt Nam chia sẻ.

Ông Đoàn Bình Dương - Giám đốc cửa hàng Decathlon chi nhánh Vincom Royal City, Hà Nội khẳng định: “Decathlon luôn cam kết hành động vì môi trường hay chính là bảo vệ sân chơi cho những người yêu thể thao. Là một trong các thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông, chúng tôi vui mừng phối hợp tổ chức Triển lãm “Chung tay giảm chất thải nhựa” tại cửa hàng Decathlon chi nhánh Vincom Royal City nhằm tăng cường nỗ lực truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới khách hàng”.

Triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người ngay trong ngày đầu diễn ra. Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức muốn lan tỏa thông điệp về việc thay đổi ý thức và hành vi của từng cá nhân trong việc hạn chế sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Triển lãm lan tỏa thông điệp về giảm rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới