Hà Tĩnh lựa chọn vị trí trung tâm hành chính mới sau khi sáp nhập xã
Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh vừa trình UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề xuất phương án bố trí lại trung tâm hành chính - chính trị cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Theo Sở Xây dựng, phương án lựa chọn trụ sở được xây dựng trên cơ sở tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu, đảm bảo sự thuận tiện trong phục vụ người dân, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đến năm 2030 của tỉnh.
Tại TP. Hà Tĩnh, kế hoạch sáp nhập sẽ bao gồm 8 phường hiện tại: Bắc Hà, Thạch Quý, Tân Giang, Thạch Hưng, Nam Hà, Trần Phú, Hà Huy Tập, Văn Yên cùng một phần phường Đại Nài. Trung tâm hành chính sau sáp nhập dự kiến đặt tại trụ sở UBND TP. Hà Tĩnh. Một phương án khác gộp các xã Thạch Trung, Đồng Môn, Thạch Hạ và Hộ Độ, với trụ sở mới tại UBND phường Thạch Hạ. Còn cụm xã gồm Tân Lâm Hương, Thạch Đài và phần còn lại của Đại Nài sẽ sử dụng trụ sở UBND xã Thạch Đài.
Tại thị xã Kỳ Anh, các đơn vị hành chính như Hưng Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh) và một phần Kỳ Lợi (khu tái định cư) sẽ hợp nhất, với trụ sở chung tại UBND thị xã Kỳ Anh. Các cụm khác gồm: Kỳ Ninh - Kỳ Hà - Kỳ Hải (trụ sở tại phường Kỳ Ninh) và Kỳ Nam - Kỳ Phương - Kỳ Liên (trụ sở tại phường Kỳ Phương).

Ở huyện Can Lộc, thị trấn Nghèn sẽ hợp nhất với các xã Thiên Lộc và Vượng Lộc, sử dụng trụ sở UBND huyện làm trung tâm hành chính. Cụm xã Thuần Thiện và Tùng Lộc sẽ đặt trụ sở tại xã Thuần Thiện sau khi sáp nhập.
Tại huyện Hương Sơn, các xã Phố Châu, Sơn Phú, Sơn Bằng, Sơn Ninh và Sơn Trung sẽ hình thành một cụm hành chính lớn, với trụ sở đặt tại UBND huyện. Riêng hai xã biên giới Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 sẽ giữ nguyên do đã đạt yêu cầu về diện tích và dân số.
Huyện Cẩm Xuyên cũng có kế hoạch sáp nhập cụm thị trấn Cẩm Xuyên với các xã Cẩm Quang và Cẩm Quan, sử dụng trụ sở UBND huyện hiện tại. Trong khi đó, khu vực ven biển gồm Thiên Cầm, Nam Phúc Thăng và Cẩm Nhượng sẽ đặt trụ sở tại thị trấn Thiên Cầm.
Hiện tại, nhiều phương án sáp nhập và bố trí trung tâm hành chính đang được các cơ quan chức năng tổng hợp, hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chính thức.
Việc xác định vị trí trung tâm hành chính sau sáp nhập không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Các phương án đề xuất đang được tiếp tục rà soát, lấy ý kiến các cấp, ngành để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, làm cơ sở trình UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt trong thời gian tới.
Phan Quý