Chủ nhật, 24/11/2024 06:47 (GMT+7)
Thứ tư, 01/12/2021 18:00 (GMT+7)

Hải Phòng: Cần có giải pháp cho nguồn cung cấp nước thô

Theo dõi KTMT trên

Những năm qua, nguồn nước thô của thành phố Hải Phòng có sự suy giảm nghiêm trọng, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm tăng cao so với các năm trước và vượt quá giới hạn về chất lượng nước mặt cần có giải pháp kịp thời.

Nguồn cung cấp nước thô ở Hải Phòng đang ô nhiễm nghiêm trọng

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng và các công ty khai thác công trình thủy lợi, hiện nay nhiều nguồn nước trên địa bàn thành phố có nguy cơ ô nhiễm cao từ các cơ sở sản xuất nhựa, mực, hóa chất, tái chế rác thải, bao bì…chưa có hệ thống xử lý nước thải, hàng ngày xả thải trực tiếp nước thải công nghiệp vào hệ thống kênh mương.

Hải Phòng: Cần có giải pháp cho nguồn cung cấp nước thô - Ảnh 1
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho nguồn nước thô sông Rế. (Ảnh: bnews.vn)

Trong đó tập trung chủ yếu tại lưu vực sông Đa Độ, sông Rế, hệ thống thủy lợi An Kim Hải (An Dương), lưu vực sông Giá, Hòn Ngọc (huyện Thủy Nguyên), kênh Chanh Dương, Ba Đồng (huyện Vĩnh Bảo).

Đáng chú ý là các điểm thuộc làng nghề thu mua phế liệu Phù Lưu, phường Tràng Minh, quận Kiến An và các khu dân cư phường Đồng Hòa, Văn Đẩu, Nam Sơn, Phù Liễn, Tràng Minh xả thải qua kênh Đò Vọ, kênh Mỹ Khê, quận Kiến An đổ thẳng vào sông Đa Độ. Cùng với đó, nước thải công nghiệp cũng xả thải ra sông Rế, sông Đa Độ và chất thải chăn nuôi, nước thải y tế.

Ngoài ra, tại hệ thống sông Rế bãi rác cánh đồng Phàn, xã Bắc Sơn, nghĩa trang các xã Bắc Sơn, Lê Thiện, huyện An Dương, nghĩa trang Quỳnh Cư (quận Hồng Bàng)… Các điểm nghĩa trang, bãi rác xã Kim Tân, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho nguồn nước thô sông Rế.

Hàng trăm điểm xả thải “đầu độc” nguồn nước ở Hải Phòng

Chiều 30/11, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng tổ chức hội nghị cấp nước an toàn năm 2021. Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo công tác an ninh – an toàn cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng năm 2021.

Đồng thời, trao đổi, tham luận về công tác bảo vệ nguồn nước thô, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ nguồn nước cũng như giám sát chất lượng nước, chuẩn bị xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch….

Theo đó, những năm qua, nguồn nước thô của thành phố có sự suy giảm nghiêm trọng, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm tăng cao so với các năm trước và vượt quá giới hạn về chất lượng nước mặt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, điển hình là nguồn nước sông Rế.

Hải Phòng: Cần có giải pháp cho nguồn cung cấp nước thô - Ảnh 2
Nguồn nước thô của thành phố có sự suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

Nguyên nhân chính là do nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, làng nghề dọc 2 bên các con sông.

Cụ thể, trên hệ thống An Kim Hải hiện có 430 điểm xả thải, trong đó có 372 điểm xả của doanh nghiệp và mới có 36 doanh nghiệp được cấp phép xả thải.

Đối với hệ thống sông Đa Độ, có 364 đơn vị đang hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, nhưng mới có 44 đơn vị được cấp phép xả thải trong tổng số 168 đơn vị thuộc đối tượng phải cấp phép xả thải.

Lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng nhận định: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch của Công ty.

Tuy vậy, toàn bộ kết quả phân tích mẫu nước sau xử lý của Công ty đều đạt theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô ngày càng nghiêm trọng, nhiều khả năng vượt quá khả năng xử lý của công nghệ hiện nay, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cấp nước.

Phó Giám đốc Nhà máy nước An Dương Nguyễn Ðức Thiện, cho biết: Bình quân một tháng có tới hơn nửa số ngày, nước thô ở trạm bơm Quán Vĩnh có mầu đen lờ lờ, bị nhiễm độc do các chất thải hóa chất, nên việc lọc nước rất khó khăn và tốn kém. Trên các sông Rế, Ða Ðộ, một loạt hệ thống nước thải công nghiệp, sinh hoạt vẫn theo các hệ thống cống dẫn đổ ra sông ngay trong khu vực cấm xả thải theo quy định.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Cần có giải pháp cho nguồn cung cấp nước thô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới