Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/06/2021 17:00 (GMT+7)

Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM muốn hạn chế khai thác nước ngầm thì trước tiên cần giải quyết tình trạng ô nhiễm nước mặt, từ đó mới có phương án tổng thể, bền vững.

Nước ngầm cần dừng khai thác, nước mặt lại đang ô nhiễm

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất (nước ngầm) trên địa bàn TP từ hơn 700.000 m3/ngày xuống còn 100.000 m3/ngày.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, TP thực hiện đồng bộ dừng cấp phép mới, dừng gia hạn giấy phép, giảm lưu lượng khai thác nước ngầm của các công trình hiện hữu của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở danh sách các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp phép trước đây, thực hiện dừng cấp phép, giảm lưu lượng khai thác 74 công trình với tổng lưu lượng giảm khai thác 8.650 m3/ngày.

Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM tiến tới chấm chứt khai thác nước ngầm. 

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức dừng khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra; đảm bảo thực hiện giảm lượng khai thác nước dưới đất đối tượng hộ gia đình năm 2021 là 8.000 m3/ngày.

Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM cho rằng mức giảm về 100.000 m3/ngày khó khả thi, TP sẽ cần lộ trình dài hơi để thực hiện. Mặc dù hạn chế khai thác nước ngầm là cần thiết nhưng nguồn nước mặt tại TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần thiết phải có giải pháp cấp nước bền vững cho TP.

“Hiện nay, nguồn nước TP.HCM suy giảm, tình trạng ô nhiễm vi sinh, các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông ngày càng tăng. Từ năm 1998, Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM đã báo cáo về việc hạn chế khai thác nước ngầm, chất lượng nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, việc khai thác nước ngầm tác động đến địa hình, gây sụt lún, ngập úng ngày càng trầm trọng. Chúng ta cần giải pháp tổng thể cấp nước mặt một cách bền vững”, GS.TSKH Nguyễn Ân Niên nói.

Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP.HCM - Ảnh 2
Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn bị ô nhiễm. Ảnh: TRUNG THANH. 

GS.TSKH Nguyễn Ân Niên cho biết thêm, hạn chế khai thác nước ngầm là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, địa phương tồn tại tình trạng nhiều công ty tư nhân khoan nước ngầm để cấp nước cho các nhà hàng, trang trại… và những việc này chưa có quy định xử phạt. Do đó, để giải quyết triệt để, cần phối hợp chặt chẽ giữa vấn đề kỹ thuật và chính sách. 

Được biết, để giảm khai thác nước ngầm, UBND TP yêu cầu lập tức giảm khai thác đối với đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm trong các khu chế xuất - công nghiệp và đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm bên ngoài các khu chế xuất - công nghiệp không phải hộ gia đình. Song song, ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của TP.

Đồng thời, UBND TP yêu cầu Sở TN&MT trong năm nay phải khảo sát và xác định các đối tượng khai thác nước ngầm, từ đó xây dựng giải pháp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm lộ trình chấm dứt khai thác và phương án hỗ trợ phù hợp.

Chuyển nguồn lấy nước về phía thượng lưu

Theo Kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP.HCM, với hàng loạt những hệ lụy kéo theo, chính quyền TP.HCM và người dân đều mong muốn loại bỏ nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên kế hoạch dù được triển khai từ 3/2018 vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Để giải quyết vấn đề về nguồn nước mặt, TP.HCM cũng đã có kế hoạch chuyển các nguồn lấy nước về phía thượng lưu, tránh nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là một trong những nội dung nổi bật thuộc Đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020–2050.

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2030, TP sẽ di dời điểm khai thác nước thô hiện tại ở xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) lên vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15 - 20 km, cách ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn khoảng 10 - 15 km về phía thượng lưu. Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.

Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP.HCM - Ảnh 3
TP.HCM đặt mục tiêu triển khai cấp nước sạch cho 100% người dân tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn. 

Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An. Các nhà máy nước dự kiến được xây từ 2 hướng Đông và Tây của TP. Trong đó, nhà máy nước phía Đông có công suất 500.000 m3/ngày và đêm, sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An, dự kiến hoạt động năm 2040, vị trí đặt tại TP Thủ Đức. Nhà máy nước phía Tây sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng với công suất 2 triệu m3/ngày và đêm (năm 2050), vị trí đặt tại huyện Hóc Môn hoặc Bình Chánh.

Thực tế, hiện nay 94% nguồn nước thô TP.HCM lấy từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai thông qua 2 trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) và Hóa An (tỉnh Đồng Nai), sau đó được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước Thủ Đức xử lý, cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, TP.HCM nằm phía cuối lưu vực nên còn tồn tại rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội dọc theo hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Tuy nhiên, Kỹ sư Vũ Hải cho rằng, với việc di chuyển vị trí lấy nước, TP cần đầu tư các hệ thống đường ống, việc này khó kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Với nguồn ngân sách nhà nước có phần hạn hẹp, đây cũng là vấn đề lớn trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư của TP.HCM.  

TP.HCM đặt chỉ tiêu giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,93%, triển khai cấp nước sạch cho 100% người dân tại tất cả các quận, huyện và cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối, phát triển hệ thống cấp nước thông minh...

Theo số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước nhưng hiện còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức không sử dụng. Tương ứng, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP.HCM là 716.581 m3/ngày.

Thanh Anh

Bạn đang đọc bài viết Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới