Hạn hán là gì?
Hạn hán là một thời gian kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm khi một khu vực trải qua sự thiếu nước do lượng mưa đạt dưới mức trung bình. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài sẽ gây ra thiệt hại đáng kể và gây tổn hại nền kinh tế địa phương.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hạn hán tại nước ta, song chủ yếu do 2 yếu tố chính:
- Do khí hậu thời tiết bất thường gây nên lượng mưa thường xuyên ít ỏi hoặc nhất thời thiếu hụt.
- Do tác động của con người gây ra: tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; Việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước; Công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng...
Tình trạng hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra trên diện rất rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long và có diễn biến hết sức phức tạp.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt khác trên phần lớn các khu vực ở nước ta hiện nay. Hệ quả là thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt của con người ở khu vực miền Tây hiện nay.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2020 cũng như ứng phó lâu dài với hạn mặn, điều quan trọng nhất là làm sao thay đổi nhận thức sâu, rộng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước. Điều này sẽ làm giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trước những thiệt hại do hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Công thu thập thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp cần thiết. Các địa phương tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép, tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long)… Tiến hành khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Quang Huy