Hàn Quốc: Cấm hoàn toàn nhựa 1 lần từ tháng 4
Ngày 6/1, Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo đồ dùng một lần hiện đang tạm thời được cho phép sử dụng tại các cửa hàng đến ngày 1/4 vì lý do dịch Covid-19. Thay vì thông báo bị cấm sử dụng nhựa dùng 1 lần bắt đầu từ 2022.
Theo KBS, quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4 sau khi lấy ý kiến của giới doanh nghiệp. Bộ Môi trường cho biết dự thảo sửa đổi lần này nhằm giảm khối lượng sử dụng đồ dùng một lần như cốc nhựa một cách bừa bãi trong bối cảnh rác thải ngày càng tăng do thói quen tiêu dùng của người dân trong mùa dịch COVID-19 thay đổi.
So với năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, lượng rác thải giấy năm 2020 tăng 25%, nhựa tăng 19%, giấy xốp nổ tăng 14%, nhựa nylon tăng 9%.
Ngoài ra, theo quy tắc thi hành Luật cơ bản về tái sử dụng tài nguyên sửa đổi vào cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ Môi trường cũng đã bổ sung thêm các đồ dùng và cơ sở thuộc đối tượng áp dụng quy định sử dụng đồ dùng một lần, áp dụng từ ngày 24/11 năm nay.
Cốc giấy, ống hút nhựa và que khuấy nhựa được bổ sung mới vào danh sách đồ dùng một lần. Do đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ và nhà ăn tập thể đều không được sử dụng những đồ vật này.
Đối tượng thuộc diện cấm sử dụng túi nylon cũng sẽ được mở rộng ra các cơ sở kinh doanh bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bánh kẹo, thay vì chỉ áp dụng đối với các cửa hàng lớn diện tích trên 3.000 m2 hoặc siêu thị rộng hơn 165 m2 như hiện nay. Ngoài ra, cửa hàng diện tích trên 3.000 m2 cũng không được sử dụng ô dù nhựa, các trận đấu thể thao không cho phép khán giả mang đồ cổ vũ bằng nhựa vào bên trong.
Mặc dù rất nhiệt tình với phong trào không rác thải ở Hàn Quốc, nhưng nhiều người vẫn không thể thực hiện mà không có đồ dùng một lần như khăn ướt. Một số người thậm chí không biết rằng khăn ướt được làm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học và cuối cùng góp phần gây ô nhiễm nhựa và rác thải biển. Bởi vì chúng giống với khăn giấy, nhiều người nghĩ rằng chúng không quá xấu đối với môi trường.
Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc (K-eco), một tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường trực thuộc Bộ Môi trường, phát hiện ra rằng 54,7% số người được khảo sát sử dụng khăn ướt hàng ngày ở khu vực thủ đô Seoul. Những người được khảo sát, bao gồm cả nhân viên văn phòng và cha mẹ, sử dụng khăn ướt trung bình hai hoặc ba lần một ngày.
Trong khi bột giấy tự nhiên có thể được sử dụng, hầu hết khăn ướt được làm bằng polyester, rayon hoặc polypropylene. Bà Choe Eu-gene, một bà mẹ 36 tuổi của hai đứa con đang chập chững biết đi, sử dụng khoảng 5 chiếc khăn ướt mỗi ngày, nói: “Tôi không biết khăn ướt có chứa nhựa”.
Theo số liệu do K-eco công bố vào năm ngoái, lượng rác thải nhựa ở Hàn Quốc tiếp tục tăng. Năm 2019, 10,36 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra, so với 6,93 triệu tấn năm 2015, 7,17 triệu tấn năm 2016, 7,98 triệu tấn năm 2017 và 8,24 triệu tấn năm 2018. Đó là tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9%.
Nhà nghiên cứu cấp cao Choi In-cheol tại Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc (NIER) cho biết: “Nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy. Trong các hộ gia đình, khăn ướt chủ yếu được vứt vào túi rác chung, nhưng một số được vứt vào bồn cầu, làm tắc đường ống hoặc máy bơm và khiến các công trình xử lý nước thải bị trục trặc".
Theo K-eco, khăn ướt là nguyên nhân gây ra khoảng 90% sự cố tại các nhà máy xử lý nước thải.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Seoul đã ban hành sắc lệnh cho phép sử dụng các sản phẩm dùng một lần do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus từ các sản phẩm tái sử dụng.
Theo Korea Joong Ang Daily, Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết sắc lệnh này mới đây đã được xóa bỏ để giải quyết các vấn đề rác thải khi việc sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần gia tăng trong đại dịch.
Theo luật sửa đổi, các quán cafe và các nhà hàng phục vụ đồ ăn, uống có thể sẽ bị phạt tùy thuộc tần suất vi phạm chính sách cấm nhựa sử dụng một lần và quy mô của các cửa hàng.
Nguyễn Linh (T/h)