Hàng loạt cửa hàng trên phố cổ Hà Nội ế ẩm phải đóng cửa
Vắng bóng du khách quốc tế, tình hình kinh doanh tại khu vực phố cổ trở nên ảm đạm. Hàng loạt cửa hàng phải gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, hoặc trả mặt bằng.
Dịch vụ khách sạn, ăn uống, làm đẹp, thời trang,… hướng đến nhóm khách du lịch nước ngoài ở phố cổ Hà Nội đang lâm vào cảnh ế ẩm, đìu hiu. Nhiều hộ kinh doanh thua lỗ, không còn đủ tiền cho chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước đã phải trả mặt bằng, treo biển sang nhượng.
Trong khi đó, chủ nhà không tìm được khách thuê mới. Có nhiều tiệm bỏ trống từ tháng 2, giờ đã có dấu hiệu xuống cấp, sơn tường bong tróc. Thậm chí, một số cửa hàng còn bị công ty điện lực dán giấy thông báo ngừng cấp điện ngoài cửa.
Theo khảo sát của Zing, phố Hàng Gai có đến 62/118 cửa hàng đóng cửa, tỷ lệ đạt trên 50%. Một chủ hàng cho biết mở cửa ra chỉ để tránh mốc hàng quần áo, chứ không có khách mua, kể cả người Việt. “Chán lắm là chán thôi, 10h mở cửa đến 16h đã đóng rồi, ngày chỉ mong bán được 200.000 đồng để đi chợ”, người này nói.
Trời mưa khiến khung cảnh trên phố Hàng Gai càng trở nên ảm đạm. Nhiều người chọn hiên các cửa hàng làm nơi trú mưa.
Nhiều cửa hàng kinh doanh có mặt tiền nhìn ra hồ Hoàn Kiếm trên phố Đinh Tiên Hoàng cũng phải đóng cửa. Trước đây, chị Mai chỉ bán nước mía ở một góc nhà số 39D Đinh Tiên Hoàng, giờ chị có thể căng bạt cho khách ngồi thoải mái. Chị kể công ty tư vấn du lịch thuê tại địa chỉ này làm ăn thua lỗ, nợ nhiều quá nên phải trả nhà vào tháng trước.
Trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào ghi nhận ít mặt bằng bỏ trống hơn so với phố Hàng Gai, nhưng vắng khách mua hàng. Nhân viên gần như không có việc để làm, chỉ ngồi trông quán và sắp xếp lại hàng hóa. Chị Nhung (26 tuổi, quản lý một cửa hàng kinh doanh quần áo) cho biết đang cố gắng cầm cự, giữ mặt bằng để giữ khách quen sau dịch.
Cả dãy cửa hàng kinh doanh đóng cửa trên phố Lương Văn Can. Từ một khu vực có nhịp sống sôi động, nơi đây đang rơi vào trạng thái gần như tê liệt.
Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Dầu, Hàng Bạc vốn nổi tiếng là phố tập trung nhiều khách sạn và dịch vụ phục vụ khách nước ngoài, nay còn rất ít khách sạn hoạt động với công suất phòng đạt dưới 25%. Các khách sạn đã đồng loạt giảm giá thuê phòng tới 80%, dao động còn 200.000-400.000 đồng/phòng/đêm nhưng không hiệu quả. Một căn nhà 4 tầng với mặt tiền rộng 4 m, diện tích khoảng 100 m2 trên phố Hàng Bạc đang rao thuê với giá 65 triệu đồng/tháng.
Trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy, phố Mã Mây vắng lặng khác thường do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Anh Hoàng Văn Dương (34 tuổi, quê Nam Định) đã phải chuyển từ bán hải sản, thịt cừu, thịt bò sang bán phở gà với hy vọng kiếm được một phần tiền bù vào chi phí thuê nhà 35 triệu đồng/tháng (giá thuê 70 triệu đồng/tháng, chủ nhà giảm cho 50%) và thêm 20 triệu đồng tiền điện nước. Cửa hàng cũng cắt giảm từ 20 nhân viên xuống còn 7 người, giữ lại chủ yếu là người nhà. Sáng 6/8, cửa hàng anh Dương bán được 2 bát phở.
Anh Sơn trên phố Lương Ngọc Quyến đóng cửa khách sạn từ tháng 2, nay cũng quyết định chuyển sang làm hàng ăn, cụ thể là bán phở xào. Anh mới thuê được thợ thay cửa, lát nền nhà.
Trên phố Hàng Cân, cứ cách vài nhà lại thấy một mặt bằng treo biển cho thuê. Mặt bằng này có mặt tiền rộng 6 m, diện tích 70 m2, thuê 2 tầng giá 55 triệu đồng/tháng. Chủ nhà nói giá trước dịch là 70 triệu đồng/tháng.
Trước dịch, những mặt bằng kinh doanh trên phố cổ được giới đầu tư săn đón. Hiện tại, phần lớn chủ nhà đã chấp nhận giảm giá thuê, linh hoạt điều kiện thuê trong hợp đồng để nhanh chóng tìm được khách thuê mới. Tuy nhiên, dường như khách thuê vẫn chưa sẵn sàng.
Việt Hùng - Văn Hưng