Hàng trăm điểm xả thải có nguy cơ bị ô nhiễm chưa được cấp phép
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.889 điểm xả thải. Tuy nhiên, hàng trăm điểm xả thải trong số này có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng chưa được cấp phép.
Số liệu điều tra từ 4 công ty thủy lợi trực thuộc UBND TP.Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 3/2021, đã thống kê được 1.889 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, 882 điểm xả thải có nguy cơ ô nhiễm. Cụ thể, 209 điểm xả thải công nghiệp, 48 điểm xả thải từ khu đô thị, 48 điểm xả phát sinh từ làng nghề và 577 điểm xả thải chăn nuôi.
Trong số 4 doanh nghiệp thủy lợi có các điểm xả thải nguy cơ gây ô nhiễm, hệ thống thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chiếm nhiều nhất với 339 điểm. Tiếp đó lần lượt là các công ty sông Đáy 275 điểm, sông Tích 139 điểm và Hà Nội 129 điểm.
Mặc dù có đến 882 điểm xả thải vào công trình thủy lợi nguy cơ gây ô nhiễm, tuy nhiên thống kê chỉ có 31 điểm được các cơ quan chức năng cấp phép theo quy định pháp luật. Trong đó có 22 điểm công nghiệp, 8 điểm xả thải chăn nuôi và 1 điểm thuộc nhóm đô thị, bệnh viện. Hàng trăm điểm xả thải còn lại là không phép.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn, số liệu quản lý xả thải chủ yếu mới thống kê được các công ty, xí nghiệp, khu đô thị hay hộ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn các nguồn nước xả thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu giết mổ gia súc, gia cầm và dân sinh xả vào kênh nội đồng thường được thống kê thành điểm xả thải chung.
Bên cạnh đó, các điểm xả thải lớn, có tính chất chung cho cả thôn xóm, vùng dân cư lớn thường không xác định được chủ xả thải cũng như quy mô, tính chất xả thải. Một số điểm xả thải vào các hệ thống kênh tiêu, sông suối chưa được thống kê.
Đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết thêm, lượng nước xả thải mới chỉ được xác định đối với các trường hợp có cấp phép, còn lại các điểm xả thải khác chưa được xác định do không có căn cứ cũng như thiết bị quan trắc và kinh phí thực hiện. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Xã hội ngày càng phát triển thì lượng chất thải sinh hoạt, công nghiệp cũng tăng lên theo cấp số nhân. Lượng thải ngày càng nhiều nhưng các hệ thống xử lý tập trung không đủ để giải quyết làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước. Thực trạng trên đòi hỏi Nhà nước ta cần có những biện pháp thích hợp để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý nước thải, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước.
Cấp phép xả thải - biện pháp cần thiết để hạn chế ô nhiễm nước
Theo thống kê, mỗi năm có đến 9.000 người chết, 100.000 trường hợp ung thư mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Tại 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Thực trạng trên đòi hỏi Nhà nước ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát xả thải cũng như xử lý nước thải, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước.
Nghị định 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước là công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước.
Nghị định nhằm giúp các cơ quan Nhà nước nắm được, thực hiện khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước tại địa phương, cơ sở và trên cơ sở đó, có sự điều hòa, phân phối cần thiết để giám sát, theo dõi, đặc biệt làm sao để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, xả thải đúng quy định của Nhà nước về xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, việc cấp phép cũng giúp cho cho việc bảo đảm quyền lợi của những tổ chức, cá nhân đã xin phép.
Để bảo đảm tài nguyên nước được ổn định, bền vững cần bảo đảm tốt khâu xả thải, tổ chức, cá nhân trước khi xả nước thải vào nguồn nước phải thực hiện tốt việc xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép; đồng thời, cơ quan nhà nước khi cấp phép xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ vào khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước và việc bảo vệ tài nguyên nước.
Giải quyết được vấn đề này chính là giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm. Đối với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các tỉnh trong những lưu vực sông cần có những chương trình, dự án chung để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nước trước khi xả nước thải vào lưu vực sông.
Thực hiện nhiều biện pháp phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở Trung ương và các cơ quan địa phương bằng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước để các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước tại các lưu vực sông thực hiện nghiêm chỉnh và trách nhiệm của họ phải xử lý tốt, bảo đảm vệ sinh môi trường và tuân thủ Nghị định 149 của Chính phủ về quy định xả nước thải vào nguồn nước.
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát xả thải môi trường nước ở Việt Nam trong tổng thể các giải pháp, trước mắt cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, những thiếu sót trong các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm soát xả thải môi trường nước. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, đòi hỏi Nhà nước ta cần tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Đồng thời, nâng cao công tác kiểm soát xả thải; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường nước nói riêng.
Thanh Thúy