Chủ nhật, 24/11/2024 09:01 (GMT+7)
Thứ ba, 17/05/2022 15:55 (GMT+7)

Hành động khẩn cấp, quyết liệt hơn, chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Cho nên, tất cả các quốc gia cần có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương và sự tồn vong của hệ sinh thái biển.

Thách thức từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Riêng với rác thải nhựa ở ngoài biển, dưới tác động của các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các quá trình chuyển hóa và các tác động khác, rác thải nhựa sẽ chuyển hóa thành rác thải vi nhựa, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Với khoảng 8-20 triệu tấn nhựa “đổ” ra các đại dương mỗi năm (riêng Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển), nhiều ý kiến cho rằng giảm thiểu chất thải từ nhựa là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây cũng là giải pháp để ngăn chặn nguy cơ "tương lai đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá”.

Tại Việt Nam, thống kê được đưa ra tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2018 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Hành động khẩn cấp, quyết liệt hơn, chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương - Ảnh 1
Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3.8 kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó, 37.43% sản phẩm là bao bì và 29.26% là đồ gia dụng. Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Đặc biệt, kể từ năm 2019 đến nay, toàn nhân loại đã, đang và sẽ phải đấu tranh với đại dịch toàn cầu Covid-19, làm tăng áp lực lên vấn đề rác thải nhựa đại dương vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này. Rác thải y tế từ đại dịch Covid-19 đang đe dọa sức khỏe con người và môi trường, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải cải thiện các hoạt động quản lý rác thải y tế. 

Thực tế cũng cho thấy, việc giải quyết vấn nạn này đang gặp một số lực cản, trong đó có sự thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các nước; thiếu công cụ pháp lý, thiếu cơ chế giám sát; thiếu cơ chế tài chính; nhiều sáng kiến chưa được cụ thể hóa, không có sự ràng buộc...

Trước những thách thức từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, theo ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều các tuyên bố khu vực kêu gọi cần có hành động toàn cầu có tính pháp lý cao để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương như: Thỏa thuận toàn cầu chống lại rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa, Tuyên bố Bangkok và Khung hành động chống lại rác thải nhựa đại dương, Thỏa thuận toàn cầu về nhựa của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới của EU.

Giảm thiểu chất thải từ nhựa trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, diễn ra cuối tuần qua, đã diễn ra Phiên toàn thể đặc biệt: “Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21”. Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, khẳng định: Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, chiếm tỷ trọng lớn và phân hủy lâu nhất là rác thải nhựa.

“Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này” - bà Hằng chia sẻ.

Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu lần này được xem là thời điểm khẩn cấp để hành động với tinh thần "quyết liệt" và "cấp bách" hơn nữa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, mạng lưới đối tác và các bên liên quan về vấn đề rác thải nhựa đại dương có khoảng 70 dự án và chương trình được thực hiện tại 19/28 tỉnh thành ven biển và các huyện đảo. Thông qua đó, đã thúc đẩy được sự tham gia và kết nối cơ hội hợp tác, đồng thời thể hiện quan điểm cấp tiến và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Cho nên, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.

Chính vì vậy, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất. 

"Các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển với một tâm thế bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hành động khẩn cấp, quyết liệt hơn, chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới