Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh 'chết'
Từng một thời "khét tiếng" là dòng kênh đen kịt và hôi thối, với những khu nhà ổ chuột đầy rác thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đây đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn khác trở thành "công trình thế kỷ", điểm du lịch, vui chơi hấp dẫn của TP.HCM.
Nỗ lực xanh hóa dòng kênh
Thời điểm 20 năm trước, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dài hơn 10km, chảy qua địa bàn các Q.Tân Bình, 3, 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh), người ta sẽ nghĩ ngay đến một dòng kênh chết. Lúc bấy giờ, ven bờ thì nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm, nhếch nhác; dưới kênh thì nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc.
Với quyết tâm hồi sinh lại dòng kênh chết, sau khi thực hiện di dời hàng nghìn hộ sống ven kênh rạch đến nơi ở mới tốt hơn, từ năm 2002, thành phố bắt đầu triển khai dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỉ đồng. Sau 10 năm triển khai, ngày 18/8/2012, dự án cải môi trường của dòng kênh cùng với dự án chỉnh trang, mở rộng hai tuyến đường ven kênh (đường Hoàng Sa và Trường Sa) được khánh thành đã tạo ra một bước ngoặt, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác.
Giờ đây thì dòng nước kênh đã trong xanh trở lại, từng đàn cá có thể tung tăng bơi lội. Khoảng 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là những người trực tiếp được hưởng lợi từ sự hồi sinh của dòng kênh, như: Môi trường không còn ô nhiễm, giảm thiểu tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa, giao thông thuận lợi, kéo theo đó là hoạt động kinh doanh dọc ven kênh cũng trở nên sầm uất hơn... Sự hồi sinh của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đây còn trở thành một điểm đến của khách du lịch, khi tham gia tour du lịch trải nghiệm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Không chỉ Nhiêu Lộc, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6, Tân Phú, Tân Bình...), với khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi.
Phát huy những bài học kinh nghiệm từ dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM quyết định đầu tư cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Sau 5 năm triển khai, ngày 5/4/2015 dự án được khánh thành. Đến nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư, các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm cho dòng kênh này được chảy ngầm trong lòng cống. Sau khi hoàn thành, dự án cũng đã góp phần giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm có diện tích gần 19km2 ở các quận 6, quận 11, quận Tân Bình và quận Tân Phú.
Tuyến kênh thứ 3 tại TP.HCM cũng được đầu tư cải tạo là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8. Một thời gian dài tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé bị bỏ hoang, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần. Kéo theo đó, nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ được cất san sát dọc hai bờ kênh, rác nổi lềnh bềnh. Sau khi đầu tư cải tạo, giờ đây đã trở thành một không gian trong sạch, uốn mình mềm mại dọc theo đại lộ Đông - Tây.
Bất động sản đôi bờ thay áo
Việc cải tạo kênh, rạch không chỉ giúp diện mạo TP.HCM thay đổi, mà BĐS ven bờ cũng được hưởng lợi lớn từ “view sông”. Có thể kể tuyến đường Bến Vân Đồn (Q.4), sau khi được chỉnh trang và cải tạo đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp BĐS như Novaland, Phát Đạt, DRH Holdings với hàng loạt dự án khu căn hộ liên tiếp mọc lên.
Hay dọc kênh Nhiêu Lộc (đoạn hướng từ Q.3 về Phú Nhuận), mới đây, TP.HCM đã công bố đồ án chỉnh trang đô thị gần 110ha đất dọc kênh Nhiêu Lộc. Đặc biệt, ven bờ khu Tây đang tiếp tục triển khai việc lọc kênh, chỉnh trang đô thị. Cụ thể như đề án lọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ (GD3) nhằm chống ngập và cải thiện môi trường với tổng vốn triển khai lên đến 9.782 tỉ đồng.
Khi việc chỉnh trang khu vực kênh Tàu Hủ hoàn thiện, người dân sẽ được sống lại ký ức "đại lộ Tàu Hũ" phồn hoa đô hội, kết hợp với tuyến bus đường sông sẽ là hình ảnh tấp nập tàu thuyền thưởng ngoạn.
Đón đầu việc thay đổi này, một số dự án BĐS đã và đang được giới thiệu ra thị trường khu vực. Hay gần nhất là thông tin ra mắt thị trường của dự án D-Aqua do DHA Corp phát triển. Dự án tọa lạc ngay trung tâm Q.8, mặt tiền đường Bến Bình Đông, ngay khu vực Bến Hoa Tết trên kênh Tàu Hủ quen thuộc của người dân Sài Gòn. D-Aqua gồm 02 block căn hộ, dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 600 căn với mức giá trung bình vừa tầm, phù hợp với nhu cầu ở của người trẻ.
Đại diện DHA Corp cho biết thêm: D-Aqua còn sở hữu mô hình tuyến phố thương mại mở giữa thiên nhiên đầu tiên trên khu vực; gồm các hoạt động dịch vụ, mua bán sầm uất đi kèm với chuỗi hoạt động giải trí đường phố nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu cư dân nội khu và người dân trong khu vực.
Xanh hóa bền vững những dòng kênh
Để có thể chuyển hóa bền vững dòng kênh đen thành xanh, TP đang tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo nhằm giải quyết triệt để vấn đề môi trường tại các dòng kênh này bằng các dự án có quy mô. Trao đổi với SGGP, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, để duy trì và gìn giữ kết quả “xanh” của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công ty thường xuyên tiến hành vớt rác. Trung bình mỗi ngày, công ty vớt khoảng 10 tấn rác. Nhiều tuyến kênh nữa cũng đã được cải tạo, chỉnh trang góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ngay các dự án nhỏ như rạch Phan Văn Hân, rạch Lăng (quận Bình Thạnh), rạch Sơ Rơ (quận 12), kênh Tẻ (quận 7)... cũng đã tạo được cảnh quan thông thoáng và xanh sạch cho các lòng kênh. Những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác không còn nữa, đời sống người dân đổi khác.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, từ năm 2016-2018, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét 81,2km sông, kênh rạch với tổng số 229 tuyến. Đơn vị vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện tại, TP.HCM đang tập trung đôn đốc thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát.
Đây là 2 dự án lớn, kinh phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, TP.HCM sẽ mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650km2 lên 2.095km2). Vì vậy, công tác nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được thành phố ưu tiên thực hiện. Để cải tạo kênh rạch, một mặt thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các dự án nạo vét, mặt khác sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm kênh rạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết, những năm qua, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, kêu gọi không xả rác ra môi trường công cộng, kênh rạch được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải, rác tồn đọng trên các tuyến đường. Công tác nạo vét, dọn cỏ rác, vớt lục bình được thực hiện thường xuyên, góp phần tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy.
Nhằm tăng cường xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng góp phần hạn chế tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, mỹ quan đô thị, UBND TP.HCM cũng đã có công văn chỉ đạo Công an thành phố, Sở TN-MT cùng UBND 24 quận, huyện sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản xử phạt vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, kênh rạch.
Theo Sở TN-MT TP.HCM, 7 tháng đầu năm 2020, UBND 24 quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường tại địa phương, kết quả đã nhắc nhở 4.088 trường hợp (3.833 trường hợp liên quan đến vệ sinh môi trường nơi công cộng và 255 trường hợp liên quan đến ô nhiễm môi trường), xử phạt hành chính đối với 4.003 trường hợp (gồm 3.817 trường hợp về vệ sinh môi trường nơi công cộng và 186 trường hợp ô nhiễm môi trường), số tiền phạt 7,4 tỉ đồng (lĩnh vực vệ sinh môi trường khoảng 1,8 tỉ đồng và lĩnh vực ô nhiễm môi trường 5,6 tỉ đồng). Kết quả triển khai từ khi thực hiện Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đến nay, về lĩnh vực môi trường, thành phố đã nhắc nhở 6.832 trường hợp, xử phạt với 10.848 trường hợp, số tiền 19,7 tỉ đồng. Các quận huyện tiếp tục vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh, 7 tháng đầu năm 2020 đã lắp 6.058 camera an ninh kết hợp giám sát vệ sinh môi trường; nâng tổng số camera đã lắp đặt lên 31.320 camera.
Hoài Thu