Hết thời 'đột biến', nhiều đại gia ôm lan tiền tỉ vỡ mộng, lao đao
Sau những "cơn sốt" mang tên lan đột biến tiền tỉ, nhiều đại gia lâm vào cảnh khốn cùng khi nợ nần chồng chất, lan bán rẻ như cho nhưng vẫn không mấy ai mặn mà.
Ráo riết săn lùng lan tiền tỉ
Với nhiều tên gọi mĩ miều như Hồng Mĩ Nhân, Bạch Tuyết cánh trắng, người đẹp Bình Dương, Á hậu, Tiên Vũ, Quế Lan Hương... phong lan được nhiều người ráo riết săn lùng. Trong đó, lan đột biến (lan var) thời gian qua khiến thị trường "lên cơn sốt".
Đáng chú ý, có những giao dịch mua bán lan phi điệp đột biến gen lên tới vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng. Thị trường "nóng" lên từng ngày, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia, của những người ngoài cuộc về những rủi ro về giá trị thực của lan đột biến.
Khi được hỏi thăm, nhiều chủ vườn lan đột biến không giấu sự tự hào: "phải hàng vạn giò, triệu giò mới có được một. Vì thế mà lan đột biến luôn có giá vô cùng đắt đỏ, chỉ giới sành chơi, các chủ nhà vườn lớn và các khách hàng lắm tiền nhiều của mới có cơ hội sở hữu".
Thực tế, không chỉ những người yêu lan, thậm chí cả những người không biết gì về lan, chỉ nghe tới từ "đột biến" cùng giá trị khổng lồ được đồn thổi cũng loay hoay, bằng mọi cách xoay sở để có tiền tậu cho mình một giò lan tiền tỉ và đợi cơ hội bán đi kiếm lời.
Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh cho biết, để lai tạo ra các giống hoa lan có đặc điểm khác lạ thì không khó. Tuy vậy, để tạo ra được giống hoa có màu sắc đẹp nhiều người thích thì không phải dễ, đó là xác suất may mắn, có khi hàng nghìn con lai, hàng triệu con lai mới ra được giống đẹp.
Vỡ mộng lan đột biến, nhiều đại gia lao đao, túng quẫn
Cơn sốt lan đột biến diễn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước khiến nhiều người do muốn làm giàu nhanh đã đầu tư vào loại lan này. Bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn tín dụng đen để đầu tư, nhiều người dường như không ý thức được sự nguy hiểm của việc "chơi với lửa", "liều ăn nhiều" này. Cũng vì vậy, "bong bóng" lan đột biến lớn lên từng ngày,...
Những con số về giá trị lan tiền tỉ phình to đến mức khó tin, số lượng giao dịch vẫn cứ tăng từng ngày, nhiều người đã liên tưởng tới “bong bóng” hoa tulip vỡ vụn đã từng xảy ra tại Hà Lan cách đây mấy thế kỷ...
Anh Lê Hữu Trường, một người sành chơi lan chia sẻ với báo Nhân Dân: "Chơi lan là niềm đam mê và phụ thuộc vào kinh tế mỗi người. Người nhiều tiền thì tìm mọi cách mua bằng được giò lan quý hiếm về để trưng, nhưng cũng có người do điều kiện kinh tế chưa dư dả thì chỉ cần sở hữu một nhành lan đẹp cũng thỏa mãn lòng yêu mến lan".
Nói về những giò lan, keiki lan (mầm cây con tách ra từ cây mẹ) có giá bán lên tới hàng tỉ đồng, anh Trường cho rằng, hiện tại rất nhiều người làm giàu bằng nghề trồng lan, kinh doanh hoa lan. Có người mua xe, mua nhà nhưng cũng có người chơi vì không am hiểu mà mất nhà, mất xe, thậm chí mắc nợ vì sa đà vào săn lùng lan quý và phải trả một cái giá quá đắt.
Trên thực tế, chỉ những người mới chơi, chưa hiểu về phong lan thì mới dễ sa vào những cuộc giao dịch "khủng". Người chơi sành sỏi không dễ bị lan đột biến làm cho "phát sốt".
Hàng loạt "phi vụ" chuyển nhượng lan với giá khủng nhiều chục tỉ đồng bị cơ quan chức năng phanh phui đến 99% là giao dịch "ảo". Đỉnh điểm là vụ mua bán lên tới 250 tỉ đồng. Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, chủ vườn lan tiết lộ số tiền 250 tỉ đồng là giá trị hợp đồng cung cấp 5.000 cây giống cho đối tác.
Trước đó, dư luận xôn xao khi một chủ vườn lan ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội "ôm 200 tỉ đồng bỏ trốn", có thông tin khác nói con số lên đến 700 tỉ, sau khi nhận các đơn hàng bán lan đột biến.
Ngay sau đó, người chủ vườn đã xuất hiện làm việc với cơ quan chức năng và xác nhận có giao dịch mua bán lan đột biến với một số người, nhưng số tiền thấp hơn nhiều so với con số được tung ra trên các mạng xã hội. Chưa kể, người này khai báo mình cũng là nạn nhân của cơn sốt đầu tư mua bán lan đột biến, nên phải tạm lánh mặt một thời gian ngắn vì bị đòi tiền nhiều quá.
Trao đổi với PV Tiền Phong về thị trường lan đột biến, anh H.T.T (chủ một vườn lan ở Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: "Gần đây thị trường lan đột biến có chiều hướng "sốt” hơn do lượng tiền đổ vào thị trường này quá lớn, trong khi số lượng cây có hạn dẫn đến khan hàng, giá bị "thổi” cao. Ví dụ, năm 2020 giá của Bạch Tuyết dao động từ 30 - 50 triệu đồng/cm thì năm nay, có thời gian đỉnh điểm giá của nó lên đến 150 - 200 triệu đồng/cm”.
Do thị trường lan đột biến "sốt” khiến nhiều người lao vào đầu tư với mục đích thu hồi lợi nhuận nhanh, dẫn đến xuất hiện các đối tượng cố tình bán sai cây giống để trục lợi.
Điển hình như trong vụ chủ vườn lan Hà Thanh, nếu như trước đây lan Bảo Duy có giá 200 - 500 triệu đồng/cm thì nay có giá khoảng 1 tỉ đồng/cm. Giá trị "khủng" nhưng ở thời điểm giao giống, cây chưa trổ mặt hoa nên khách hàng khó có thể kiểm chứng được đây có là hàng chuẩn hay không.
Người chơi lan ngậm đắng, "bóc mẽ" nhau trên các diễn đàn
Tại thời điểm đỉnh "sốt", các giao dịch lan đột biến được đẩy khắp các mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán và đương nhiên cũng lôi kéo theo dã tâm của những kẻ muốn làm giàu bất chính...
Truyền thông và cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bất chấp lao vào đầu tư.
Sau một thời gian, giá lan đột biến tụt dốc, dần quay trở lại với giá trị thực của mình, nhiều người chơi lan không thể "gồng" được nữa đã quay ra “đấu tố” các chủ vườn lớn, những người từng làm chủ cuộc chơi.
Theo Cafebiz, anh Nguyễn Trọng Hùng, một người chơi lan tại Phú Thọ cho biết, anh mua một giò “Hồng Yên Thủy” với giá 120 triệu đồng từ năm ngoái, nhưng nay không thể tìm được khách mua, trong khi chủ vườn bán cho anh đã cao chạy xa bay chỉ sau chưa đầy 1 tháng.
Câu chuyện anh Hùng chia sẻ nhận được nhiều sự cảm thông của giới chơi lan, những người đang chịu chung cảnh ngộ như anh.
“Đây là Hồng Yên Nghỉ chứ Yên Thủy cái gì. Tôi cũng mua phải loại này giờ chỉ để treo bờ rào thôi”, một người chơi lan bình luận.
Anh T.T.C, một người chơi lan tại Hà Nội, mới đây đã lên tiếng “bóc phốt” một chủ vườn lan N dùng những “chiêu bẩn” để dụ người chơi. Vụ “bóc phốt” này đang gây xôn xao trong cộng đồng chơi lan trên mạng xã hội, theo Cafebiz.
Hết thời lan đột biến, người mua lao đao, giấc mộng kiếm tiền nhanh, dễ dàng đột biến, ôm những giò lan tiền tỉ không có người mua, nhiều "đại gia" ngậm đắng nuốt cay. Thậm chí, không ít người đã tìm cách nhờ đến xã hội đen để mong "giải cứu" nhưng bất thành. Nợ ngân hàng, nợ người thân, bạn bè vẫn treo lơ lửng trên đầu, chỉ nhận lại được một bài học quá đắt....
Xác nhận với VietNamNet, ông Dương Minh Tuyền, người Bắc Ninh (một facebooker nổi tiếng mạng xã hội với biệt danh “Thánh chửi”) cho biết, nhiều nạn nhân bị lừa đảo mua lan đột biến (lan var) đã nhờ mình đứng ra "giải quyết” những nhà vườn lừa đảo, không “bảo hành” đúng như giao dịch.
Ông Dương Minh Tuyền cũng xác nhận, bản thân đã đứng ra “giải cứu” giúp gần chục trường hợp, số tiền giao dịch lan var từ hơn 1 tỉ đến vài ba tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó, chính ông này cũng trở thành nạn nhân của những nhà vườn bị “bóc phốt”.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng và chính quyền tại một số địa phương đã lên liên tục tiếng cảnh báo người dân về cơn sốt lan đột biến thời gian qua. Ngoài ra, đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp bán lan đột biến giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua.
Theo đó, các cơ quan chức năng cảnh báo, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.
Ngoài ra, các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch. Vì vậy, người mua cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi "xuống tiền" đầu tư để tránh những rủi ro sau này.
Diệu Nguyên (T/h)