Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ ba, 19/10/2021 07:03 (GMT+7)

Hiệu ứng nhà kính là gì?

Theo dõi KTMT trên

Hiệu ứng nhà kính sẽ làm gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Do đó, việc tăng nồng độ các khí nhà kính do con người gây ra sẽ làm thay đổi khí hậu trong các thập kỷ và thập niên tương lai.

Nhiệt độ bề mặt Trái Đất được tạo nên do sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời đến bề mặt Trái Đất và năng lượng bức xạ của Trái Đất vào khoảng không gian giữa các hành tinh. Năng lượng mặt trời chủ yếu là các tia sóng ngắn dễ dàng xuyên qua cửa sổ khí quyển. Trong khi đó, bức xạ của Trái Đất với nhiệt độ bề mặt trung bình +16 độ C là sóng dài có năng lượng thấp, dễ dàng bị khí quyển giữ lại. Các tác nhân gây ra sự hấp thụ bức xạ sóng dài trong khí quyển là khí CO2, bụi, hơi nước, khí metan, khí CFC v.v...

Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa Trái Đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển Trái Đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là hiệu ứng nhà kính.

Hiệu ứng nhà kính là gì? - Ảnh 1
Sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất do hiệu ứng nhà kính tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của môi trường Trái Đất. (Ảnh minh họa)

Theo đó, sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của loài người đang làm cho nồng độ khí CO2 của khí quyển tăng lên. Và đương nhiên, sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác trong bầu khí quyển làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, thì nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên khoảng 3 độ C.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy nhiệt độ Trái Đất đã tăng 0,5 độ C trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1940 do thay đổi của nồng độ CO2 trong khí quyển từ 0,027% đến 0,035%. Theo dự báo của các nhà khoa học, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng lên 1,5 - 4,5 độ C vào năm 2050.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, vai trò gây nên hiệu ứng nhà kính của các chất khí được xếp theo thứ tự sau: CO2 => CFC => CH4 => O3 =>NO2. Sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất do hiệu ứng nhà kính có tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của môi trường Trái Đất.

Trong đó, nhiệt độ Trái Đất tăng sẽ làm tan băng và dâng cao mực nước biển. Như vậy, nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, các khu đông dân cư, các đồng bằng lớn, nhiều đảo thấp sẽ bị chìm dưới nước biển.

Sự nóng lên của Trái Đất làm thay đổi điều kiện sống bình thường của các sinh vật trên Trái Đất. Một số loài sinh vật thích nghi với điều kiện mới sẽ thuận lợi phát triển. Trong khi đó nhiều loài bị thu hẹp về diện tích hoặc bị tiêu diệt.

Bên cạnh đó, khí hậu Trái Đất sẽ bị biến đổi sâu sắc, các đới khí hậu có xu hướng thay đổi. Toàn bộ điều kiện sống của tất cả các quốc gia bị xáo động. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bởi vậy, khi con người phát triển sản xuất công nghiệp, trước hết cần phải tích cực xử lý ô nhiễm không khí, nghiên cứu công nghệ chuyển hóa CO2 thành chất khác, ngăn chặn các khí metan, halogen, clo, flo,... không cho thải vào không khí.

Thứ hai, cần bảo vệ tốt cây rừng, tích cực trồng cây gây rừng, làm cho CO2 chuyển hóa thành chất dinh dưỡng thông qua tác dụng quang hợp của cây xanh.

Thứ ba, bằng mọi cách làm giảm lượng tiêu hóa năng lượng dầu mỏ và than, cố gắng áp dụng năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng nước và gió để giảm bớt lượng CO2 thải vào không khí.

Các chuyên gia năng lượng trên toàn thế giới đều thừa nhận than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than được xem là “tòng phạm” gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo trước đó của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới thì mới có thể kiềm chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ C.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hiệu ứng nhà kính là gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới