Chủ nhật, 24/11/2024 14:27 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/03/2024 06:00 (GMT+7)

Hình thành thói quen đi xe công cộng cho học sinh thành phố

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh giao thông đang trở nên phức tạp, phương tiện cá nhân dẫn đến quá nhiều hệ lụy thì giải pháp dùng phương tiện giao thông công cộng cần đặt lên hàng đầu. Đối với giới trẻ, cần hình thành thói quen đi xe công cộng trong thành phố.

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng bảo vệ, giữ gìn môi trường

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, việc xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng đòi hỏi sự đồng bộ, quyết tâm từ nhiều phía.

Đối với một người trẻ, việc ra trường, công tác ổn định, có xe riêng như là một dấu hiệu thể hiện sự thành công. Việc lựa chọn di chuyển bằng xe buýt như là cách gián tiếp thể hiện rằng người đó đang gặp khó khăn, chưa ổn định. Vì vậy, xe buýt được xem là phương án bất khả kháng.

Trong điều kiện hiện nay, xe buýt lại đang tồn tại một số vấn đề như cũ kỹ, mùi khó chịu, phủ đầy bụi, thường phanh gấp, vượt ẩu, bị móc túi, quấy rối, thái độ của một số tài xế và tiếp viên khi phục vụ khách còn thô lỗ, cộc cằn... Một rào cản vô cùng lớn, mang tính quyết định cao đó là xe buýt trễ chuyến, ra vào bến nhiều làm kéo dài thời gian di chuyển cần thiết. Hơn nữa, việc di chuyển từ trạm vào điểm cần đến có khi mất một khoảng cách xa.

Dù vậy, đến nay, chất lượng xe buýt đang ngày được chú trọng, cải thiện và nâng cao. Một số tuyến dành riêng cho xe buýt nhanh hay tuyến xe buýt điện của Vinbus cũng đang góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

Phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng rất phổ biến và đa dạng với nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng luôn được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết được tình trạng nan giải của đô thị tắc đường cục bộ.

Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, nhất là ở những nước phát triển khi họ đã thành công trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đối với học sinh, sinh viên, cần giáo dục các em hiểu rằng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng là một cách bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Hình thành thói quen đi xe công cộng cho học sinh thành phố - Ảnh 1
TS.Bùi Thị Thanh Hương, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (người bìa trái).

Tại Hà Nội hay TP.HCM và các tỉnh, thành phố lớn khác, các cấp chính quyền cũng đang nỗ lực đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt.

Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương nhấn mạnh, để có thể hạn chế lượng phương tiện cá nhân trên đường phố, hướng tới giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường thì việc xây dựng thói quen sử dụng các phương tiện công cộng cho người dân, đặc biệt là trẻ em là vô cùng quan trọng. Hiện nay, phần lớn trẻ em được cha mẹ đưa tới trường bằng xe cá nhân, cùng với đó, các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Cũng theo Tiến sĩ Hương, việc hình thành thói quen cho trẻ em, học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn là “lộ trình” để hướng tới việc linh hoạt chuyển đổi khi Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác đang có kế hoạch “cấm xe máy vào nội đô”. Theo đó, Từ 2022, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu lên phương án và lập đề án phân vùng hoạt động hạn chế xe máy vào nội đô để phù hợp với hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng. Kế hoạch trong thời gian tới, sẽ dừng hoạt động của xe máy ở các quận nội thành Hà Nội.

“Đây là một trong những nội dung có trong đề án phát triển đô thị, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt. Đáng chú ý là bởi xe máy đang là công cụ giao thông phổ biến trong mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng đang có một chiếc xe máy để phục vụ việc đi lại. Việc hướng tới hạn chế và dừng xử dụng xe máy không phải lần đầu đề cập tới. Trước đó Hà Nội đã nhiều lần bàn tới việc cấm xe máy vào nội đô vào năm 2017 - 2019. Hiện nay Hà Nội có khoảng 9 triệu xe máy lưu thông trên tổng số 9 triệu dân. Bên cạnh những lợi ích mang lại thì xe máy cũng có nhiều bất lợi khi sử dụng về an toàn giao thông và môi trường. Tháng 4/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc yêu cầu Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng nghiên cứu đề án hạn chế và phân vùng hoạt động của xe máy trong nội đô nhằm hướng tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy tại các trung tâm thành phố lớn”, bà Hương phân tích.

Lợi ích từ việc trẻ em sử dụng giao thông công cộng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay cứ 4 phút, trên tất cả các cung đường trên toàn thế giới có một trẻ em qua đời vì TNGT… Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Hình thành thói quen đi xe công cộng cho học sinh thành phố - Ảnh 2
Học sinh tại Cần Thơ đi học bằng xe buýt. Ảnh: Báo Giao Thông.

Qua các nghiên cứu, số trẻ em thương vong do TNGT trong 10 năm trở lại đây không hề giảm mà có dấu hiệu gia tăng. 90% số vụ TNGT liên quan đến trẻ em là do các em trực tiếp gây ra khi tham gia giao thông.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng việc trẻ em làm quen sớm với giao thông công cộng đặc biệt là xe buýt là hết sức quan trọng. Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra khi tự điều khiển phương tiện khi chưa trang bị tốt luật giao thông hay được phụ huynh chở trên xe cá nhân di chuyển trên những con đường đông đúc thì việc sử dụng giao thông công cộng rõ ràng an toàn hơn rất nhiều.

“Việc trẻ em sử dụng giao thông công cộng như xe buýt cũng mang lại nhiều lợi ích, như: giảm thời gian đi lại của phụ huynh qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và giảm ùn tắc giao thông. Chúng ta thấy rằng mỗi dịp nghỉ lễ khi mà nhu cầu đi lại giảm khoảng 10% thì lập tức đường thông thoáng, không còn ách tắc. Đặc biệt, lợi ích của việc đi xe buýt mang lại cho trẻ em đó là nâng cao sự độc lập của học sinh. Chẳng hạn chúng ta có thể thấy những học sinh Nhật Bản hoặc Phần Lan tự đi bộ hay đi xe buýt thì điều này giúp góp phần rất tốt định hình tính cách độc lập của trẻ em”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp tai nạn giao thông cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị.

“Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân đổi mới tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn", ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

Bích Đào

Bạn đang đọc bài viết Hình thành thói quen đi xe công cộng cho học sinh thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới