Hoàn thiện hệ thống cảnh báo sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương cách đây 15 năm đều đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thiện hệ thống cảnh báo và phòng ngừa thiên tai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dailynews.lk) |
15 năm sau thảm họa động đất sóng thần ở Ấn Độ Dương cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan đều đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thiện hệ thống cảnh báo và phòng ngừa thiên tai.
Tại tỉnh Aceh ở miền Bắc Indonesia, nơi có tới 130.000 người thiệt mạng trong thảm họa trên, các hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra sóng thần và các cơ sở lánh nạn đã được thiết lập rải rác khắp các khu vực duyên hải.
Ở Sri Lanka, nhà chức trách đã lập tức thành lập một cơ quan quản lý thảm họa, có nhiệm vụ gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại của người dân để thông tin kịp thời về các nguy cơ xảy ra động đất hoặc sóng thần.
Hệ thống cảnh báo sớm của Sri Lanka được hoàn thiện vào năm 2007. Cơ quan Quản lý thảm họa Sri Lanka cũng thường xuyên tiến hành diễn tập ứng phó với thảm họa.
Trong khi đó, tại Nagapattinam - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ, các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và ứng dụng di động mới đã được triển khai để cảnh báo người dân.
Trong số hơn 12.000 người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ có tới hơn 6.000 người đến từ Nagapattinam.
Ở Thái Lan, tháp hệ thống cảnh báo sớm và trung tâm sơ tán sóng thần cũng đã được xây dựng.
Nhà hải dương học Srinivasa Tummala, chuyên gia phụ trách Hệ thống Cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương (IOTWMS) thành lập năm 2013, cho rằng việc các nước thiết lập các hệ thống cảnh báo là "tiến bộ rất cần thiết."
Ông nhận định khu vực Ấn Độ Dương hiện đã trở nên an toàn hơn trước nguy cơ xảy ra sóng thần so với năm 2004.
Các chuyên gia đang xem xét các công nghệ mới như ứng dụng di động và mạng Hệ thống Vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) để cải thiện hệ thống cảnh báo.
Tuy nhiên, ông Tummala cho rằng số lượng phao báo sóng thần ít cũng như thiếu chia sẻ dữ liệu thời gian thực là những điểm yếu cần cải thiện của hệ thống cảnh báo sóng thần.
Ngày 26/12/2014, một trận động đất có độ lớn 9,4 đã gây nên sóng thần kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.
Các đợt sóng cao tới 17,4m đã tràn vào bờ biển nhiều quốc gia, quét sạch một số khu dân cư chỉ trong vài giây.