Hơn 19.000 tỉ đồng ứng phó với biến đổi khí hậu ở Cà Mau
Theo kế hoạch, UBND tỉnh Cà Mau sẽ dành hơn 19.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án ưu tiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mỗi năm, hàng trăm ha diện tích rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở. |
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo kế hoạch hành động ứng phó với biển đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh này sẽ dành hơn 19.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án ưu tiên.
Trong đó, chủ yếu là ngân sách Trung ương hỗ trợ và sử dụng vốn ODA với 18.178 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 207,5 tỉ đồng, còn lại là ngân sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, Chương trình khoa học công nghệ và các Tổ chức quốc tế tài trợ.
Một số công trình trọng điểm ảnh hướng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội được tỉnh Cà Mau đề ra: Hồ chứa nước ngọt trên đảo Hòn Chuối; xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư Thị trấn Năm Căn; xây dựng nâng cấp đê biển Tây (đoạn từ Cái Đôi Vàm - Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau); xây dựng hệ thống thủy lợi Tiểu vùng XIV và XII - Nam Cà Mau; giai đoạn 2 của dự án xây dựng Kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Tây và kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Đông.
Cà Mau cũng có kế hoạch xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai); điều chỉnh, mở rộng Khu neo đậu, tránh trú bão Sông Đốc; Khu tránh trú bão cho tàu cá Bồ Đề.
Tuyến đường chiến lược Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sạt lở nghiêm trọng. |
Về nuôi trồng thủy sản, sẽ đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau); đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Khu Kinh tế Năm Căn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung tại Phong Điền (Trần Văn Thời); hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại Tân Dân (Đầm Dơi, Cà Mau)...
Tăng cường đầu tư các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển, nhằm chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, chủ động di dời, bố trí, sắp xếp lại điểm dân cư sống ven đê, ven sông, ven biển, bờ kênh, rạch...có nguy cơ sạt lở cao, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thông qua các nhiệm vụ, dự án được thực hiện nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, hình thành ý thức cho mỗi người dân trong xã hội chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đối khí hậu.
Các dự án được đề ra cũng nhằm đảm bảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành được xây dựng, cập nhật, bổ sung phải tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Cà Mau cũng ưu tiên việc đánh giá được mức độ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, qua đó đề xuất giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp cho các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đặc biệt UBND tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và chủ động phòng, chống, hạn chế các tác động của triều cường, sạt lở, sụt lún, ngập úng đô thị, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn…
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng ưu tiên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Cà Mau đã mất gần 9.000ha đất rừng do sạt lở đất Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho thấy, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra gần 1.200 vị trí sụt, lún, sạt, lở đất với tổng chiều dài gần 30km. Về đê biển, trong tổng số 254km chiều dài bờ biển từ Đông sang Tây của Cà Mau, có đến 80% vị trí bị sạt lở với tốc độ từ 20 đến 25m/năm, cá biệt có nơi lên đến 50m/năm. 10 năm qua, Cà Mau đã mất gần 9.000ha đất rừng do sạt lở đất. Đồng thời, trên 16.000 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp luôn trong tình trạng bị đe dọa trước nguy cơ vỡ đê biển. |
Mai Anh