Chủ nhật, 24/11/2024 11:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/07/2021 07:03 (GMT+7)

Hơn 4 triệu người ở Lebanon sẽ mất khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn

Theo dõi KTMT trên

Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hầu hết các hoạt động bơm nước sẽ dần ngừng hoạt động trên toàn quốc trong vòng 4 đến 6 tuần tới.

Liên Hợp Quốc mới đây cảnh báo rằng, hiện có hơn 4 triệu người ở Lebanon, trong đó bao gồm 1 triệu người tị nạn, có nguy cơ mất khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn do tình trạng thiếu kinh phí, nhiên liệu và nguồn cung cấp ảnh hưởng đến việc bơm nước.

Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho hay, ước tính hầu hết các hoạt động bơm nước sẽ dần ngừng hoạt động trên toàn quốc trong vòng 4 đến 6 tuần tới.

Hơn 4 triệu người ở Lebanon sẽ mất khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn - Ảnh 1
Hơn 71% dân số Lebanon có nguy cơ mất khả năng tiếp cận nước an toàn. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đáng chú ý, nền kinh tế Lebanon đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng chưa từng có kể từ thập niên 1970. Hàng loạt chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm đã đưa tỉ lệ nợ công tăng chưa từng có, lạm phát phi mã, dự trữ ngoại hối "bốc hơi" chóng mặt, và đồng nội tệ trượt giá sâu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 50% dân số rơi vào cảnh nghèo đói và đồng tiền của quốc gia này mất hơn 90% giá trị trong vòng chưa đầy 2 năm. Đồng thời, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cơ bản như nhiên liệu và thuốc men.

UNICEF cho biết, nếu hệ thống cấp nước công cộng sụp đổ, chi phí nước có thể tăng 200% một tháng vì nước sẽ được đảm bảo từ các nhà máy cung cấp nước tư nhân. Theo đó, cơ quan này cần 40 triệu USD mỗi năm để đảm bảo mức nhiên liệu, clo, phụ tùng thay thế và bảo trì tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động của các hệ thống quan trọng.

"Nếu không hành động khẩn cấp ngay bây giờ, các bệnh viện, trường học và các cơ sở công cộng thiết yếu sẽ không thể hoạt động", Yukie Mokuo, đại diện UNICEF tại Lebanon nhấn mạnh.

Liên Hợp Quốc cũng cho biết, hiện có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp. Hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số của khu vực thiếu nước trầm trọng.

Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%. Trong khi nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.

Thậm chí, với khoảng 2 tỉ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch, do khí hậu biến đổi, thiên tai, bùng nổ dân số, sự nóng lên của Trái Đất. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sự lãng phí và khai thác nguồn nước quá mức của con người. Những công trình xây dựng, những cuộc khai thác tập trung vào tài nguyên nước quá nhiều đã gián tiếp làm hao mòn và cạn kiệt nguồn nước sạch.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hơn 4 triệu người ở Lebanon sẽ mất khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới