Hưng Yên: Quyết liệt tái cơ cấu để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững
Năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phối hợp với các địa phương tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn.
Năm 2024, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nông dân trong tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, giống cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Diện tích gieo cấy lúa cả năm là 48.976 ha, đạt 101% kế hoạch, năng suất lúa bình quân đạt hơn 59,3 tạ/ha/vụ, đạt 94,2% so với kế hoạch, giảm 4% so với năm 2023. Diện tích cây ăn quả có 15.381 ha, đạt 104,6% kế hoạch, giảm 1,71% (giảm 267 ha)...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng gặp nhiều diễn biến bất lợi. Do ảnh hưởng của bão số 2, mưa lớn nhiều ngày (từ ngày 16 đến 27/7) đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa, rau màu và cây ăn quả. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão (từ ngày 7 đến 12/9) đã làm cho khoảng trên 19.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, một số diện tích bị mất trắng và giảm năng suất; một số diện tích thủy sản, lồng cá bị ảnh hưởng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão nên sản xuất nông nghiệp đã dần được khôi phục và ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2024 đạt hơn 14.053 tỷ đồng, giảm 1,55% so với năm 2023; trong đó nông nghiệp đạt 12.237 tỷ đồng, giảm 1,6%; thủy sản đạt 1.571 tỷ đồng, giảm 0,8% so với năm 2023.
Do ảnh hưởng xấu từ thời tiết, một số cây trồng giảm năng suất như lúa, rau màu, cây cảnh… Tuy nhiên, ở các vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực vẫn cho sản lượng và thu nhập cao như: Nhãn, vải, cây ăn quả. Sản lượng nhãn của tỉnh tăng 0,21% so với năm 2023, giá bán ổn định ở mức cao. Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn lồng Tiên Châu (TP.Hưng Yên) cho biết: Giá nhãn quả trung bình năm 2024 ở mức cao hơn năm trước, giá nhãn làm long từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, nhãn làm quà giá từ 25.000-50.000 đồng/kg. Tại các vùng nhãn ngon, đạt tiêu chuẩn VietGAP giá bán từ 40.000-70.000 đồng/kg.
Cùng với đó, lĩnh vực chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường gắn với Luật Chăn nuôi. Hoạt động nuôi thả thủy sản được duy trì ổn định. Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Kinh tế hợp tác phát triển đa dạng về hình thức và quy mô; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Các giải pháp về công tác thuỷ lợi được triển khai đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
Sang năm 2025, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 14.575 tỷ đồng; trong đó, nông nghiệp 12.926 tỷ đồng, lâm nghiệp 9 tỷ đồng; thuỷ sản 1.640 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,5%; năng suất lúa bình quân đạt 62,2 tạ/ha/vụ…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết: Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, năm 2025, sở đẩy mạnh phối hợp với các địa phương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, nông nghiệp hữu cơ... Thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp đã được phê duyệt tích hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường phổ biến, chuyển giao giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hằng năm, cây lâu năm, nuôi thả thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi với các nội dung trọng tâm như: Tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng, điều kiện sinh thái; cơ cấu lại đàn vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, phương thức chăn nuôi và cơ cấu lại theo chuỗi giá trị.
Sông Hồng