Chủ nhật, 24/11/2024 09:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/11/2020 16:47 (GMT+7)

Hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận các hoạt động liên quan đến đê điều

Theo dõi KTMT trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều.

Hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận các hoạt động liên quan đến đê điều - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự thảo thông tư này đề xuất hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận để làm cơ sở cho việc cấp phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều và thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều đối với dự án đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các hoạt động liên quan đến đê điều đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III trước khi tiến hành phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: 1- Cắt xẻ đê để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều; 2- Khoan, đào trong phạm vi bảo vệ đê điều; 3- Xây dựng cống qua đê; xây dựng công trình đặc biệt trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông; 4- Nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Các hoạt động xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều mà phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh trở lên trước khi tiến hành phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các hoạt động sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng để xây dựng công trình theo dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi trình phải có thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quy định thực hiện chấp thuận

Theo dự thảo, nội dung xem xét chấp thuận bao gồm: 1- Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều; 2- Sự phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 3- Việc bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ khi xây dựng công trình; 4- Giải pháp phòng, chống lũ trong quá trình thi công và đảm bảo an toàn cho đê trong quá trình quản lý, sử dụng công trình; 5- Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên đê trong quá trình thi công; 6- Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận, gồm: 1- Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 2- Ý kiến bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về đề nghị của Chủ đầu tư; 3- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: Thuyết minh, bản vẽ mặt bằng tổng thể, mặt cắt đại diện, trong đó thể hiện những nội dung liên quan đến đê điều, thoát lũ khi xây dựng công trình; 4- Văn bản khác có liên quan đến việc xây dựng, thực hiện dự án (nếu có); 5- Đối với công trình mà phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh trở lên phải có ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh liên quan.

Ngoài ra, trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu xét thấy công trình có ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ thì cơ quan trực tiếp xử lý hồ sơ thông báo bổ sung một hoặc các tài liệu sau: văn bản thẩm tra của đơn vị tư vấn độc lập về sự ảnh hưởng của công trình đến an toàn đê điều và thoát lũ lòng sông (sự giảm lưu lượng lũ thiết kế; tăng mực nước lũ thiết kế; ảnh hưởng đến dòng chảy khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu; ổn định lòng dẫn; ổn định thân đê, nền đê khu vực xây dựng công trình); ý kiến bằng văn bản của các cơ quan chức năng liên quan; tài liệu khảo sát địa hình, địa chất để phục vụ cho việc kiểm tra, tính toán làm cơ sở xem xét, chấp thuận.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện theo quy định, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có ý kiến chấp thuận bằng văn bản; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có văn bản thông báo việc không chấp thuận xây dựng công trình và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định hoặc cần bổ sung tài liệu, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về những nội dung chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.

Tuệ Văn

Bạn đang đọc bài viết Hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận các hoạt động liên quan đến đê điều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới