Chủ nhật, 24/11/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/08/2023 06:44 (GMT+7)

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Định hướng trong phát triển nông nghiệp xanh

Theo dõi KTMT trên

Huyện Đan Phượng xác định nông nghiệp sinh thái là hướng phát triển trong tương lai. Đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường đã và đang hình thành,

Bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2018, HTX đã thuê đất nông nghiệp của các hộ dân không canh tác, hoặc sản xuất không hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu về một vùng chuyên canh rau hữu cơ.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Định hướng trong phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 1
Mô hình phát triển kinh tế xanh tại huyện Đan Phượng.

Đến nay, diện tích canh tác của HTX đã được mở rộng lên hơn 5ha trong đó có 85 nhà màng, nhà lưới, với diện tích khoảng 20.000m2, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều tiết nhiệt độ, ánh sáng đã được đầu tư. Để phục vụ bảo quản, nâng cao chất lượng rau củ, hai năm qua, HTX cũng đã đầu tư 1 kho bảo quản lạnh và 1 nhà sơ chế rau củ sau thu hoạch.

Với chất lượng được bảo đảm, HTX đã có 21 sản phẩm OCOP rau củ được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Rau củ của HTX được thị trường đón nhận tích cực, mỗi tháng mang lại doanh thu hàng tỷ đồng; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công địa phương.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, trong những năm qua, địa phương tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và định hướng xây dựng quận trong tương lai.

Những diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ngày một tăng. Đến nay, tổng diện tích rau củ, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP trên địa bàn huyện đã lên tới 140ha.

Huyện cũng đã xây dựng được 8 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản, cụ thể là: nấm, hoa, rau giá Trung Châu; bưởi tôm vàng Đan Phượng; thịt lợn an toàn Trung Châu; sản phẩm chăn nuôi Phương Đình; đậu phụ xã Hồng Hà và đậu phụ xã Hạ Mỗ.

Để tạo tiền đề phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, thời gian qua, huyện Đan Phượng đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp ven bãi sông Hồng, sông Đáy. Gần 100ha đã được chính quyền địa phương đấu giá thành công, làm cơ sở để các chủ thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể tới những mô hình tiêu biểu như trồng hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, hay sản xuất nấm hữu cơ của HTX nấm Nghĩa Minh.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Định hướng trong phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 2
Mô hình vườn nho hiệu quả tại Đan Phượng.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp tại huyện Đan Phượng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng quỹ đất bãi bồi ven sông. Các mô hình nông nghiệp xanh, theo hướng sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang từng bước phát triển, tuy nhiên, quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ. Liên kết sản xuất - tiêu thụ cũng còn những hạn chế nhất định…

Một vướng mắc được nhiều nông hộ chia sẻ, đó là thời hạn cho thuê đất nông nghiệp hiện nay chỉ kéo dài 5 năm là quá ngắn. Với đất nông nghiệp, bà con thường mất ít nhất một năm cải tạo đất, những năm tiếp theo mới có thể đầu tư phát triển. Việc chỉ được thuê đất 5 năm có thể hạn chế khả năng tiếp cận đất nông nghiệp của những chủ thể mong muốn sản xuất lớn, ổn định, lâu dài.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, trong giai đoạn 2023 - 2025, địa phương định hướng tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị.

PV

Bạn đang đọc bài viết Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Định hướng trong phát triển nông nghiệp xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới