Chủ nhật, 24/11/2024 07:35 (GMT+7)
Thứ tư, 08/01/2020 09:00 (GMT+7)

JICA hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào 2030

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu giảm thải nhà kính vào năm 2030 với mức giảm 8% dựa vào nỗ lực của chính Việt Nam và giảm 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

JICA hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào 2030 - Ảnh 1
Năng lượng tái tạo là nhóm ngành trụ cột đang phát triển mạnh tại Ninh Thuận hiện nay. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát khí thải nhà kính nhanh nhất.

Lượng CO2 phát thải trên đầu người của Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á khác và thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 với mức giảm 8% dựa vào nỗ lực của chính Việt Nam và giảm 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

Đây là cam kết của các chuyên gia đến từ Tổ chức JICA đưa ra tại Hội thảo cuối kỳ Dự án Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát-báo cáo-thẩm định (MRV, gọi tắt là Dự án SPI-NAMA) do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức JICA phối hợp tổ chức ngày 7/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án đã đạt được một số kết quả rõ rệt như hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình để Việt Nam tham gia giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng hệ thống MRV.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án giúp Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng hệ thống MRV thí điểm theo lĩnh vực và lập kế hoạch về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030...

Tại hội thảo, ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ Ozone, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã trình bày quá trình phát triển chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn tham gia và thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết 24/NQ/TW của Trung ương về ứng phó với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định của Chính phủ về lộ trình và các phương thức giảm nhẹ phát thải GHG, các chính sách thúc đẩy sử dụng công nghệ carbon thấp…

Chính phủ Việt Nam cam kết góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu dưới 2 độ C. Năm 2020 là năm bản lề để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giảm phát thải khí thải nhà kính trong đó xác định rõ vai trò tham gia chính của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Tiến sĩ Jun Ichihara - chuyên gia JICA, cho rằng để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cuối năm 2015, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chuẩn bị khung pháp lý cho các hoạt động chính sách, đánh giá nhu cầu và lựa chọn công nghệ, luật hóa các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này cần có sự chuẩn bị nguồn tài chính và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các sở, ngành triển khai hoạt động đánh giá xu hướng phát thải khí nhà kính và tiềm năng giảm phát thải, thu thập số liệu từ các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thống kê… về các thông tin hỗ trợ như các kế hoạch, chính sách, quy định liên quan biến đổi khí hậu…

Ngành Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn và thử nghiệm áp dụng hệ thống báo cáo carbon cho chín tòa nhà tại Thành phố để xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho các tòa nhà và doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn, qua đó khuyến nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp tính toán cường độ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thu thập dữ liệu từ 17 cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của cảng biển thành phố.

Dự án SPI-NAMA được triển khai từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2020 gồm hai hợp phần trong đó hợp phần một là hỗ trợ nâng cao năng lực điều phối và lập kế hoạch thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hợp phần hai là hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính.

Trần Xuân Tình

Bạn đang đọc bài viết JICA hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới