Kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á xây dựng kế hoạch loại bỏ nhựa sử dụng một lần
Hội đồng EU-ABC kêu gọi ASEAN đẩy mạnh chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, tăng cường cơ chế tài chính xanh để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang các vật liệu bền vững.
Cần thiết loại bỏ nhựa dùng một lần ở Đông Nam Á
Hội đồng Kinh doanh Liên minh châu Âu (EU) - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (EU-ABC) mới công bố một báo cáo về tính bền vững cho thấy, khu vực Đông Nam Á cần xây dựng kế hoạch loại bỏ nhựa sử dụng một lần.
Cụ thể, Hội đồng EU-ABC kêu gọi ASEAN đẩy mạnh chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nhựa và ống hút nhựa; Thông qua những yêu cầu như mức tối thiểu bắt buộc đối với nhựa tái chế, và thuế đối với lượng nhựa nguyên sinh được sử dụng.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với hoạt động nghiên cứu các giải pháp thay thế nhựa bền vững và có thể phân hủy sinh học. Hay các cơ chế tài chính xanh để tài trợ cho quá trình chuyển đổi từ nhựa sử dụng một lần sang các vật liệu bền vững… cũng nằm trong những đề xuất khác được Hội đồng EU-ABC đưa ra.
Giám đốc Điều hành Hội đồng EU-ABC Chris Humphrey nhận định, những đề xuất trên là "một loạt các khuyến nghị có thể thực hiện dễ dàng. Từ đó cho thấy cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết vấn đề môi trường.
Trong đó, tiến tới đẩy nhanh các biện pháp nhằm giảm thiểu và cuối cùng loại bỏ nhựa sử dụng một lần trong khu vực sẽ là bước đi đầu tiên và dễ dàng trong quá trình này.
Thế giới “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần
Gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng tới môi trường, trên thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, điển hình như nước Pháp, Mỹ và Canada. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.
Bắt đầu từ năm 2020, Pháp sẽ chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa chỉ dùng một lần là vứt vào thùng rác. Mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỉ cốc nhựa và khoảng 17 tỉ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.
Gần đây nhất, sau Queensland và Nam Australia, bang có dân số lớn nhất tại Australia là New South Wales vừa công bố lộ trình cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo đó, từ tháng 6/2022, New South Wales sẽ cấm sử dụng các loại túi nylon nhẹ. Từ tháng 11/2022, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm bao gồm các loại ống hút, dao dĩa, bát, đĩa, bao bì đựng thực phẩm làm từ nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và các hạt vi nhựa sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Trước đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm sản xuất và sử dụng những chiếc cốc nhựa dùng một lần.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), vấn đề nên tiếp tục hay ngừng hẳn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần hiện nay vẫn là một cuộc tranh luận chưa đến hồi kết.
Theo đó, nguy cơ sử dụng đồ nhựa dùng một lần với thực phẩm đặt trực tiếp vào đó thực sự không thể lý giải hết được. Tuy nhiên, cách tốt nhất là càng giảm được việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần thì càng tốt.
“Bởi lẽ, vốn dĩ đồ nhựa dùng một lần thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và tái chế. Nếu cứ tiến hành đựng thực phẩm trong đồ nhựa tái chế thì nguy cơ bị bệnh từ đồ nhựa là cực lớn. Vấn đề này phải được nhà nước phối hợp Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát gắt gao mới tránh được bệnh tật sinh ra từ mối nguy này”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương
Để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương và thu gom 100% dụng cụ đánh bắt bị thất lạc hoặc thải bỏ và xóa bỏ tình trạng xả thải trực tiếp các dụng cụ đánh bắt ra biển. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Băng Cốc trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN.
Lan Anh (T/h)