Chủ nhật, 24/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ ba, 06/04/2021 11:32 (GMT+7)

Kêu gọi Thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ các nước Ecuador, Ghana, Đức và Việt Nam đang lên kế hoạch với một số quyết định hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa, dự kiến được thông qua tại Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về rác thải biển và ô nhiễm nhựa sắp diễn ra.

Chuẩn bị cho sự kiện này, vừa qua, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi đã tham dự buổi Thảo luận và Họp báo quốc tế trực tuyến do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về rác thải biển và ô nhiễm nhựa dự kiến sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2021, trước thềm Kỳ họp thứ hai của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc lần thứ năm (UNEA 5.2) vào tháng 2/2022.

Chia sẻ về những thành tựu đã đạt được và kế hoạch tương lai chống rác thải nhựa tại Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Có thể kể đến như: Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Kêu gọi Thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa - Ảnh 1
Hoạt động thu gom rác thải trên biển. (Ảnh: MH)

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

 Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”, trong đó có nhiều nhiệm vụ, dự án cụ thể phân cho các cấp, các ngành để triển khai với mục tiêu chung nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Đặc biệt, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Theo đó, Bộ TN&MT đề xuất Thủ tướng ký Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (trong đó bỏ bớt 2 mã nhựa phế liệu nhập khẩu, chỉ cho phép nhập khẩu 5 mã phế liệu nhựa có giá trị).

Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Mới đây nhất, ngày 5/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”. Theo Quyết định, mục tiêu chung của Đề án là tăng cường phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa; thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.

Thông qua buổi Thảo luận và Họp báo trực tuyến, Việt Nam muốn gửi đi thông điệp khẳng định Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ TN&MT Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

“Quan điểm chung của phía Việt Nam trong quá trình thảo luận là các thách thức rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng đồng thời phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng một Thỏa thuận chung toàn cầu về rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi khẳng định.

Ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa”, phong trào đã lan tỏa đến nhiều cộng đồng dân cư trong toàn quốc, đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven biển, mang lại những kết quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam.

Minh Thư

Bạn đang đọc bài viết Kêu gọi Thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới