Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ ba, 26/09/2023 11:52 (GMT+7)

Khai thác đất hiếm có tác động như thế nào tới môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Đất hiếm đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích to lớn về kinh tế. Tuy vậy, chuyên gia khuyến cáo rằng, cần thận trọng trong việc khai thác, vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi khai thác loại khoáng sản này rất cao.

Những tác động đến môi trường

Đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt, là yếu tố chủ chốt của ngành khoa học và công nghệ thế giới. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Khai thác đất hiếm có tác động như thế nào tới môi trường? - Ảnh 1
Biểu đồ Top 7 quốc gia có trữ lượng đất hiếm cao nhất thế giới
(Nguồn: US Geological Survey).

Việt Nam hiện là nước sở hữu trữ lượng đất hiếm nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với khoảng 22 triệu tấn. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ, thời gian này Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Các đề án thăm dò được chấp thuận tại Lai Châu, ngoài ra còn ở một số mỏ có nhiều tiềm năng. Giai đoạn từ 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai.

Theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Theo doanh nhân Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT cho biết, hiện tại đất hiếm có giả khoảng 110.000 USD/tấn. Nếu nhân với trữ lượng Việt Nam đang có thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.

Tuy vậy, chuyên gia khuyến cáo rằng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi khai thác loại khoáng sản này rất cao. Cụ thể, theo nhận định của Tổng cục phó Cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Nguyên, khai thác đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy diệt thảm thực vật, mất nước và xói mòn đất.

Lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, các mỏ đất hiếm đi kèm có nguyên tố phóng xạ, khi khai thác, tuyển luyện không xử lý tốt có thể tác động đến con người.

“Các mỏ đất hiếm gốc hiện nay thường cộng sinh với khoáng vật đa kim như chì, kẽm, đồng hoặc fluorit. Những chất này khi khai thác cũng sẽ thải nhiều khí độc, chất độc ra môi trường nước. Hay đối với kiểu đất hiếm hấp phụ ion khi chiết tách tại chỗ sẽ phải sử dụng nhiều ure dẫn tới thải các chất như nitơ amoniac và kim loại nặng ra môi trường nước”, ông Nguyên nói.

Để có thể giải quyết những vấn đề này, ông Nguyên cho rằng, trước tiên chúng ta cần hoàn thiện quy định pháp luật trong quản lý, khai thác đất hiếm để làm tiền đề ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp gây ô nhiễm môi trường. Các chính sách quản lý cần được xây dựng theo hướng siết chặt tiêu chuẩn về môi trường sinh thái.

Còn trong quá trình khai thác, có thể áp dụng các quy trình, máy móc xử lý hiện đại của các nước đi đầu như Mỹ, Ausatralia, Hàn Quốc. Tuy nhiên, quy định về môi trường sẽ làm tăng chi phí khai thác và chế biến đất hiếm. Điều này có thể làm tăng giá đất hiếm xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chúng ta cần cân đối một cách cẩn trọng giữa hai bài toán trên để đưa ra lựa chọn hài hòa nhất.

Bài học từ Trung Quốc

Là 1 quốc gia khai thác đất hiếm hàng đầu thế giới, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm (chiếm 97% thế giới). Nhưng việc khai thác ồ ạt, công nghệ lạc hậu, không quan tâm đến vấn đề môi trường đã khiến Trung Quốc phải “trả giá đắt”. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác mỏ.

Theo số liệu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, 2/3 lượng đất hiếm của Trung Quốc được khai thác, chế biến ở TP. Bao Đầu, thuộc vùng Nội Mông, cạnh sa mạc Gobi.

Khai thác đất hiếm có tác động như thế nào tới môi trường? - Ảnh 2
Hoạt động khai thác trong mỏ đất hiếm ở TP.Bao Đầu. Ảnh: REX

Nhằm chiếm lĩnh vị thế độc quyền loại nguyên liệu quý này, Trung Quốc đã cho các công ty quốc doanh vay vốn ưu đãi để khai thác đất hiếm. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, nhờ nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ, cũng như luật pháp về môi trường lỏng lẻo, các công ty Trung Quốc đã đưa ra thị trường nhiều loại đất hiếm với giá thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, nhiều mỏ đất hiếm ở Úc, châu Phi và Mỹ buộc phải đóng cửa, hoặc bán lại cho nhà đầu tư Trung Quốc, trong số này, có những “ông lớn” từng thống trị thị trường đất hiếm như Western Minerals Group (Canađa), Lynas Corporation (Ôxtrâylia) và Molycorp Minerals (Mỹ).

Do trong quá trình khai thác, chế biến đất hiếm, các mỏ đã sử dụng nhiều hóa chất và trong quặng đất hiếm còn chứa những nguyên tố phóng xạ, điển hình là thori - chất đồng vị phóng xạ có khả năng gây ung thư phổi, tuyến tụy, cũng như các căn bệnh nan y khác. Nghiên cứu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho thấy, để tạo ra 1 tấn quặng đất hiếm sẽ phá hủy 200 m² thảm thực vật, tạo ra 2.000 m³ chất thải. Kết quả khảo sát năm 2009 ở TP. Bao Đầu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp khai thác đất hiếm ở TP thải ra khoảng 10 triệu tấn nước thải mỗi năm, làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất ở khu vực gần sông Hoàng Hà, nơi có 150 triệu người dân đang sinh sống.

Trên cơ sở những nghiên cứu của một số viện nghiên cứu, cũng như Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận, hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm không quan tâm đến vấn đề môi trường đã gây ra tổn hại nghiêm trọng tới thảm thực vật, làm xói mòn đất, ô nhiễm, a-xít hóa, mất sản lượng cây lương thực.

Nhận thấy những hệ lụy từ ô nhiễm môi trường do khai thác đất hiếm, từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách nghiêm ngặt để điều chỉnh hoạt động thương mại và khai thác đất hiếm. Trung Quốc cũng triển khai các biện pháp quản lý không chỉ nhằm vào xuất khẩu đất hiếm, mà thực hiện song song cả 3 mảng: khai thác, sản xuất và xuất khẩu, đồng thời thực hiện quản lý đồng bộ việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu ở trong nước các sản phẩm đất hiếm sơ cấp, kết hợp với thắt chặt các quy định về môi trường.

Cụ thể, Trung Quốc đã ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu tất cả các doanh nghiệp muốn khai thác đất hiếm phải có giấy phép của Chính phủ; sản lượng đất hiếm phải tuân theo kế hoạch và được điều chỉnh theo thị trường. Các mỏ khai thác, sản xuất đất hiếm phải đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất, thiết bị, bảo vệ môi trường, các chỉ số kỹ thuật, kinh tế, chỉ số tiêu thụ tài nguyên và năng lượng.

Tất cả các doanh nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm hiện nay phải tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch hơn; khuyến khích ứng dụng các sản phẩm đất hiếm trong công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, năng lượng; phát triển nền kinh tế tái chế đất hiếm.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành Giấy phép xuất khẩu đất hiếm và hệ thống hạn ngạch, áp dụng Thuế tài nguyên, Thuế xuất khẩu, xây dựng tiêu chuẩn chất thải nghiêm ngặt cho ngành công nghiệp đất hiếm. Việc thực hiện các tiêu chuẩn mới buộc những doanh nghiệp sản xuất đất hiếm phải nâng cấp công nghệ, gia tăng chi phí làm sạch môi trường, đóng cửa các doanh nghiệp khai thác đất hiếm vừa và nhỏ, doanh nghiệp khai thác bất hợp pháp và xử lý hành vi sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

 Với quyết tâm chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đất hiếm, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra đột xuất các nhà máy khai thác, chế biến đất hiếm. Các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt nặng, hoặc dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy mạnh các biện pháp chống tinh chế lậu; xây dựng Kế hoạch 5 năm của ngành công nghiệp đất hiếm; ban hành kế hoạch hợp nhất các doanh nghiệp dự trữ, cung cấp đất hiếm của Nhà nước và tư nhân vào 6 tập đoàn lớn, qua đó, tiến hành quản lý việc cung ứng đất hiếm.

Kế hoạch 5 năm ngành công nghiệp đất hiếm đặt ra mục tiêu giảm thiểu 20% chất thải ô nhiễm do khai thác, chế biến đất hiếm; khuyến khích ứng dụng xanh và tái chế đất hiếm; tăng cường hình phạt khắc nghiệt đối với người gây ô nhiễm và chính quyền địa phương nếu buông lỏng quản lý...

Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác đất hiếm vẫn đang là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng tại Trung Quốc, bởi những hệ lụy do hoạt động khai thác, chế biến đất hiêm gây ra quá lớn. Đây là bài học “xương máu” cho các quốc gia đang phát triển về chiến lược khai thác tài nguyên thiếu bền vững, không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Xem thêm: Khai thác, xuất khẩu đất hiếm: Làm sao để xứng với tiềm năng?

H. An

Bạn đang đọc bài viết Khai thác đất hiếm có tác động như thế nào tới môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới