Chủ nhật, 24/11/2024 07:35 (GMT+7)
Thứ tư, 07/04/2021 10:12 (GMT+7)

Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức hội thảo Đối tác địa phương: Giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực địa phương giảm ô nhiễm nhựa tại khu vực Đông Nam Á do Na Uy tài trợ.

Dự án Nâng cao năng lực địa phương nhằm giảm ô nhiễm khu vực ASEAN (ASEANO) có mục tiêu tạo động lực thúc đẩy giảm ô nhiễm nhựa và đánh giá tác động của ô nhiễm nhựa đối với nền kinh tế, phát triển, môi trường và phúc lợi của con người, tập trung vào tính bền vững cấp đô thị và thành phố của địa phương.

Các hoạt động của dự an ASEANO thực hiện tại 3 quốc gia trong ASEAN gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam, trong đó Đà Nẵng là thành phố duy nhất tại Việt Nam được chọn để triển khai.

Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng - Ảnh 1
Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng, rác biển là một trong những thách thức đối với môi trường biển tại nhiều quốc gia hiện nay. Ước tính có hơn 80% rác thải nhựa đại dương đến từ các nguồn trên đất liền ở các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Na Uy và Việt Nam là các quốc gia đại dương nên hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của đại dương đối với nền kinh tế. Do đó, đại dương được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác quốc tế của chính phủ Na Uy. Na Uy đã khởi động một chương trình viện trợ phát triển trị giá khoảng 180 triệu USD nhằm chống lại rác thải ở biển trên toàn cầu, bao gồm hỗ trợ đối với các quốc gia thành viên ASEAN như dự án ASEANO.

Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng - Ảnh 2
Hội thảo có sự tham dự của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, hiệp hội, chuyên gia.

“TP.Đà Nẵng đã có những cam kết phát triển bền vững và thân thiện với môi trường và muốn trở thành một thành phố xanh vào năm 2025. Đó là lý do tại sao tôi đặc biệt vui mừng khi thấy sự ra mắt của dự án ASEANO tại Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng.

Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác dự án ASEANO và các tổ chức của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và phát triển các biện pháp dựa trên tri thức để chống ô nhiễm nhựa. Hội thảo về các bên liên quan hôm nay là một bước đệm quan trọng để xây dựng sự hợp tác, thiết lập mạng lưới và xác định các ưu tiên chính của ASEANO tại Việt Nam như cũng như xác định, hỗ trợ và bổ sung cho những nỗ lực đang diễn ra tại Đà Nẵng”- bà Grete Lochen nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trưởng nhóm Công tác ASEAN về đới bờ cho biết, với mục tiêu nâng tỉ lệ đóng góp của kinh tế biển trên 65% GDP, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển xanh, trong đó, nhấn mạnh đến việc quản lý giảm thiểu rác thải nhựa. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 có mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu rác thải nhựa 50% và 75% đến năm 2030.

Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng - Ảnh 3
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết Việt Nam đang tích cực hợp tác quốc tế để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Hiện nay, Tổng cục biển và Hải đảo đang phối hợp với một số đối tác quốc tế như Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF); Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP)… để triển khai các hoạt động một cách hiệu quả, tránh trùng lặp.

Việt Nam cũng tích cực hợp tác với nhóm công tác Môi trường biển và đới bờ để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động rác thải nhựa ASEAN và đang làm thủ tục thông qua cùng tất cả các nước trong khu vực. Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hải đảo cũng đang trong quá trình xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa.

Hội thảo khởi động dự án ASEANO được thực hiện với sự hỗ trợ của chính phủ Na Uy là cơ hội tốt để các bên có thể trao đổi, cập nhật các thông tin cần thiết xây dựng các đề xuất, cam kết góp phần với chính phủ Việt Nam và Đà Nẵng giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng - Ảnh 4
Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Quá trình đô thị hóa nhanh đã gây ra những áp lực, trong đó có vấn đề rác thải nhựa.

Theo thống kê của Sở TN&MT, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự tính giai đoạn từ năm 2020-2025, rác thải đô thị thành phố tăng lên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn 2025-2030 hơn 2.400 tấn/ngày và giai đoạn 2030-2040 hơn 3.000 tấn/ngày.

Từ năm 2018, Đà Nẵng đã triển khai phong trào chống rác thải nhựa toàn thành phố và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và doanh nghiệp. Việc thực hiện dự án ASEANO sẽ góp phần triển khai phong trào chống rác thải nhựa đã thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, cần xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia trong chuỗi thực hiện thu gom, xử lý rác tài nguyên sau phân loại rác tại nguồn, nhất là nhựa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Khởi động dự án nâng cao năng lực giảm ô nhiễm nhựa khu vực ASEAN tại Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới