Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 17:05 (GMT+7)

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI

Theo dõi KTMT trên

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng là thông điệp được Chính phủ đề cập nhiều lần. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng, nếu không gắn việc sản xuất với bảo vệ môi trường thì họ sẽ không có cơ hội phát triển bền vững.

Sáng ngày 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã công bố “Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2021”. Đây là lần đầu tiên có một báo cáo tổng quan về tình hình đầu tư FDI tại Việt Nam.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 1
Lễ ra mắt “Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2021”.

Vốn FDI góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Tại lễ công bố, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE, cho biết, năm 2022 đánh dấu 35 năm Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987). Trong hơn 3 thập kỷ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 2
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE.

Đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy sự hình thành một số ngành công nghiệp lớn như dầu khí, chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến giá trị gia tăng cao; xuất siêu của các doanh nghiệp FDI không chỉ bù đắp mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế.

Khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của nước ta và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Cũng theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, năm 2021, kinh tế thế giới và FDI toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng kết quả thu hút, sử dụng vốn nước ngoài và hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, thu hút và sử dụng lao động cũng còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn FDI, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài ra nước ngoài đến năm 2030.

Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, VAFIE nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam với cách tiếp cận Báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban Thư ký ASEAN và UNCTAD để đánh giá toàn diện kết quả thu hút và sử dụng, sản xuất kinh doanh FDI, hoạt động của các doanh nghiệp FDI.

“Cùng với đó, phân tích môi trường đầu tư gắn với cải cách hành chính quốc gia, lấy ý kiến ​​các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp FDI. Từ đó, kiến nghị với Nhà nước định hướng, chính sách, pháp luật theo hướng đổi mới và sáng tạo để tăng số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” - Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE nhấn mạnh.

Quy mô đầu tư còn nhỏ

Đánh giá về hiệu quả đầu tư FDI thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vốn FDI là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 3

Tuy nhiên, trong tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng bộ tiêu chí về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc mới đây, bộ này đã chỉ ra hàng loạt hạn chế. Theo đó, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD/ha. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có suất vốn đầu tư FDI bình quân lớn hơn, đạt từ 8-10 triệu USD/ha đất.

Các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là dự án đầu tư quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5-1 tỷ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100-500 triệu USD, 654 dự án FDI có vốn đầu tư 50-100 triệu USD. Còn lại hàng chục ngàn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp FDI hiện nay không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực.

Đặc biệt, một kết quả khảo sát của diện hẹp của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đưa ra cũng rất đáng chú ý. Theo kết quả khảo sát tại một số khu công nghiệp trên cả nước của Bọ KHoa học và Công nghệ, số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại rất thấp, chỉ khoảng 5%.

Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, khoảng 80% số doanh nghiệp, trong đó từ 30-40% sử dụng công nghệ xuất xứ Trung Quốc. Số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu hiện nay chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Bên cạnh đó, có 85% số doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước.

Các dự án FDI đang tập trung vào một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ôtô, xe máy và một số ngành chế biến thực phẩm.

Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ đi kèm cho sản xuất của khu vực FDI được nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI là 81,5% vào năm 2017. Các doanh nghiệp FDI sản xuất điện tử, điện thoại và linh kiện đang nhập khẩu 89% linh phụ kiện, nguyên liệu từ bên ngoài.

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, đứng thứ 18 thế giới, thứ 2 Asean về thu hút FDI, sau Indonesia.

Hiện tại, điều quan trọng không phải là thu hút được thêm nhiều vốn FDI, quan trọng là phải thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Có 2 lĩnh vực cần đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI thời gian tới là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.

Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ đạt từ 20-25%.

Một số ngành, lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang hoạt động có tỷ lệ nội địa hóa cao là dệt may, da giày đạt 40-45%, điện tử gia dụng đạt 30-35%, thiết bị đồng bộ đạt 30-40%, lắp ráp ôtô tải đạt 55%, ôtô khách và ô tô chuyên dụng đạt 40%, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông đạt 15%.

Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt 36,3%, trong khi ở Thái Lan đạt 60%, Trung Quốc đạt khoảng 70%.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng, những doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều lần nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng đầu tư là bất thường, cần kiểm tra, giám sát nếu phát hiện sai phạm khai lỗ giả để trốn thuế cần xử lý nghiêm và không cho phép họ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam nữa.

Khi phát hiện doanh nghiệp FDI "lỗ giả lãi thật" cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt dự án đầu tư FDI có tiền sử nhiều lần báo lỗ, doanh nghiệp nào nhiều lần báo lỗ liên tục cần phải kiểm tra ngay. Không thể để tình trạng nhà đầu tư đến kinh doanh có lãi nhưng không chịu nộp thuế.

"Trường hợp Shopee doanh thu nhiều ngàn tỉ nhưng vẫn báo lỗ cần kiểm tra, làm rõ xem họ có lỗ thật không", ông Toàn kiến nghị. Ông Toàn cũng cho biết các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản khi đến đầu tư tại Việt Nam thì 3 năm đầu thường lỗ, hết năm thứ 3 dự án mới vào điểm hòa vốn, từ năm thứ 4 thường họ kinh doanh có lãi.

Câu chuyện hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI báo lỗ theo các chuyên gia có hai trường hợp, thứ nhất là những doanh nghiệp FDI lỗ thật, trường hợp còn lại là những doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ, có hành vi chuyển giá thông qua hoạt động kinh doanh nội khối.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 5
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường vụ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường vụ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, về nguyên tắc, doanh nghiệp thua lỗ thì phải phá sản. Thế nên doanh nghiệp FDI doanh thu ngàn tỉ đồng, tiếp tục mở rộng sản xuất nhưng lại báo lỗ là nghịch lý.

Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc và quản lý dự án Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (FNF), chia sẻ khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thường đằng sau họ có các công ty luật chuyên về mảng tài chính tư vấn, nắm được các kẽ hở luật pháp để khai thác.

Chuyển giá không chỉ có ở Việt Nam mà những công ty công nghệ vận hành trên nền tảng trực tuyến thì ở châu Âu cũng có hiện tượng chuyển giá và họ đã từng xử phạt Facebook, Google. Với Shopee, trước mắt cần qua truyền thông để người dân hiểu được cách làm ăn của doanh nghiệp, để người Việt hiểu và lựa chọn dịch vụ của họ.

Theo ông Tiến, tình trạng hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI báo lỗ không có gì lạ, nhiều năm nay câu chuyện chuyển giá, lỗ giả lãi thật của doanh nghiệp FDI đã được đặt ra. Tuy nhiên, để hạn chế hành vi chuyển giá thì ngay từ khâu lựa chọn, cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI các địa phương cần nắm được mục đích, khả năng, lịch sử, cách quản lý doanh nghiệp của nhà đầu tư.

Trong đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng chung trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới là phải tiết kiệm đất đai, năng lượng và ít thâm dụng lao động.

Nhiều tác động tiêu cực đến môi trường chưa được giải quyết.

Doanh nghiệp FDI đang xuất lộ những “mảng tối” sau 35 năm hiện diện, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, ngoài hiện tượng chuyển giá, trốn thuế,... thì tình trang ô nhiễm môi trường ở một số dự án FDI cần có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 6
Một số doanh nghiệp FDI đã gây ô nhiễm môi trường nước. (Ảnh minh họa)

Báo cáo kết quả thanh tra môi trường của các địa phương cho thấy, các doanh nghiệp FDI đều hiểu và cơ bản thực hiện các quy định về quản lý nước thải, khí thải và chất thải rắn. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp vô tình, thậm chí cố tình vi phạm các quy định, gây nên những hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái và làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 28 tỉnh phía Bắc trong các năm 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên trong các năm. Cụ thể, năm 2017 có 12/27 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 44,5%; năm 2018 có 14/25 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 56% và năm 2019 là 13/19 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 68%.

Các lỗi vi phạm thường tập trung vào một số hành vi cụ thể như: Không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; hoặc thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Cùng với đó, cũng có doanh nghiệp để xảy ra các vi phạm về quản lý chất thải như: thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; kê khai không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại; tự xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận... Nhiều trường hợp, doanh nghiệp lại vi phạm quy định về quản lý nước thải như: xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

Nhiều công ty hay tập đoàn đang coi trách nhiệm xã hội với môi trường và lao động là một “gánh nặng” hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing

TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, một thực tế đáng lo ngại hiện nay là để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, dùng thủ đoạn tinh vi, lén lút xả thải ra môi trường. Họ xây dựng hệ thống xả thải bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện, như vụ Công ty Vedan Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Miwon,.... Ngoài ra, nhiều công ty hay tập đoàn đang coi trách nhiệm xã hội với môi trường và lao động là một “gánh nặng” hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing, tạo hình ảnh làm sao để có lợi cho doanh nghiệp nhất.

Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI - Ảnh 7
Bịt các kẽ hở của hệ thống pháp luật là một trong những giải pháp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp FDI. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến số lượng các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng một phần đến từ kẽ hở của hệ thống pháp luật. Điển hình là còn sự thiếu thống nhất trong quy định của Luật Môi trường và Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng, giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước... Bên cạnh đó, là các nguyên nhân khác như hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; hay sự thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với phân khu chức năng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được chú trọng...

Để có giải pháp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp FDI, TS. Nguyễn Thị Phương Mai cho rằng, trước hết Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện Luật bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi các nội dung chưa phù hợp giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật chuyên ngành khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Đồng thời, ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định giới hạn lượng phát thải; doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải. Đặc biệt là phải đẩy mạnh việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị... Hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đủ mức răn đe trong lĩnh vực môi trường. Nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt theo mức xả thải thực tế thay cho mức xử phạt theo khung tối đa, tối thiểu như hiện nay.

Trong Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Bộ Chính trị đánh giá: Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hoá, xã hội thiết yếu. Cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và tính chuyên nghiệp.

Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế. Việc phát triển tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn.

Về định hướng phát triển, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 đặt ra mục tiêu phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm).

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đã đưa ra các giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên. Một trong những giải pháp được Bộ Chính trị quán triệt là: "Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên".

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới