Khu đất vàng tứ giác Nguyễn Cư Trinh bị ‘treo’ hơn hai thập kỉ
Được quy hoạch trở thành khu phức hợp khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại lớn của TP.HCM nhưng sau hơn 2 thập kỉ, Khu "đất vàng" tứ giác Nguyễn Cư Trinh vẫn chỉ là dự án trên giấy.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1 giữa tháng 5/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận được nhiều câu hỏi của cử tri liên quan đến dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh được giao cho Tập đoàn Bitexco thực hiện.
Cử tri Phan Thị Phương Tiến cho biết mình đại diện hơn 1.500 cử tri khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh gửi gắm các ứng viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa mới có đề xuất, tham mưu để đẩy nhanh giải tỏa dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét điều kiện pháp lý do đã kéo dài quá lâu. Dự án này được UBND thành phố chấp thuận cho một chủ đầu tư thực hiện từ năm 2006, nhưng nhà đầu tư này triển khai công tác bồi thường chậm.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng có văn bản hướng dẫn rà soát lại pháp lý của dự án, bao gồm việc chấp thuận chủ đầu tư trước đây để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 từng thông tin, năm 2000 UBND TP chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang Khu Mả Lạng (Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh) có diện tích đất thu hồi hơn 6,8 ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh.
Ban đầu, dự án được giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại – Căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Vào đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng Quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND Quận 1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất; Điều tra, khảo sát lập phương án tái định cư, hoàn thành trong quý II. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018.
Tuy nhiên cho đến nay, dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vẫn giậm chân tại chỗ do vướng vấn đề pháp lý.
Trước việc dự án chậm trễ đến hơn 2 thập kỉ, hàng nghìn hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án này bức xúc và mong muốn TP.HCM phản hồi về việc dự án đến nay có còn khả thi hay không? Bao giờ người dân mới hết cảnh sống "chui rúc'" trong những căn nhà chật hẹp, diện tích chưa đến 10 m2? Hiện tại, người dân muốn xây một ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn mà không dám xây vì sợ bị di dời bất cức lúc nào.
Theo tìm hiểu, năm 2000, Tập đoàn Bitexco - Chủ đầu tư dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh từ một công ty dệt tại Thái Bình bất ngờ nhảy sang lĩnh vực bất động sản và đầu tư nhiều dự án lớn tại TP.HCM.
Thông qua các hợp đồng BT, Tập đoàn này đã sở hữu hàng loạt dự án đất vàng tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, ngoài tòa tháp biểu tượng Bitexco Financial và dự án căn hộ The Manor đã hoàn thành thì phần lớn các dự án khác đều trong tình trạng "đắp chiếu".
Ngoài Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, các dự án “treo” khác của Tập đoàn Betexco phải kể đến như Khu tứ giác Bến Thành tọa lạc tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 và dự án Thanh Đa - Bình Quới.
Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Tuy nhiên, đến nay sau hàng nhiều lần “3 năm”, Tập đoàn Bitexco vẫn được giữ nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa trong tay.
Khoản 3, Điều 49, Luật Đất đai 2013 có quy định: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất".
Duy Thật