Thứ sáu, 25/04/2025 15:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/04/2025 11:01 (GMT+7)

Khuyến học xanh – Hướng tới công dân học tập vì phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn về môi trường, yêu cầu về một mô hình phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khuyến học xanh là mô hình giáo dục kết hợp giữa việc khuyến khích học tập và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mô hình này hướng đến việc nâng cao tri thức, giúp người học hình thành ý thức bảo vệ môi trường, áp dụng các giải pháp "xanh" vào cuộc sống và công việc, hướng tới tương lai bền vững. Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Trương Mạnh Tiến- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường. 

I. MỞ ĐẦU

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn về môi trường như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm không khí, đất và nước, yêu cầu về một mô hình phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giáo dục – đặc biệt là giáo dục suốt đời – đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực thích ứng cho toàn xã hội.

Khuyến học xanh – Hướng tới công dân học tập vì phát triển bền vững - Ảnh 1

Giai đoạn vừa qua đánh dấu những nỗ lực toàn diện của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện đồng thời hai quá trình chuyển đổi chiến lược: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Song hành với đó là việc tinh gọn bộ máy hành chính, sắp xếp lại các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng hiệu lực – hiệu quả, nhằm xây dựng một nền quản trị hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Những thay đổi này không chỉ nhằm nâng cao năng suất quốc gia mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bước vào một “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, với các giá trị trung tâm là tri thức, sáng tạo và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, khái niệm "khuyến học xanh" ra đời như một định hướng mới, kết hợp giữa tinh thần học tập suốt đời với lối sống xanh, tư duy xanh và hành vi xanh. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bài tham luận này xin được trình bày những nội dung cơ bản về khuyến học xanh, các mô hình triển khai thực tế và một số đề xuất nhằm lan tỏa phong trào học tập xanh trong cộng đồng.

II. NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm và cơ sở hình thành "khuyến học xanh"

"Khuyến học xanh" là một cách tiếp cận mới do Hội Khuyến học Việt Nam đề xướng, nhằm tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào hoạt động khuyến học và học tập suốt đời. Khác với khuyến học truyền thống tập trung vào việc động viên, hỗ trợ người dân học tập, khuyến học xanh nhấn mạnh đến việc học để sống hài hòa với thiên nhiên, học để phát triển cá nhân và cộng đồng một cách bền vững.

Cơ sở hình thành khuyến học xanh bao gồm:

1.1. Định hướng toàn cầu về Giáo dục vì Phát triển bền vững (ESD) do UNESCO đề xuất

Giáo dục vì Phát triển bền vững (Education for Sustainable Development – ESD) là một sáng kiến chiến lược của UNESCO nhằm lồng ghép các nguyên tắc, giá trị và mục tiêu phát triển bền vững vào toàn bộ hệ thống giáo dục – từ giáo dục mầm non, phổ thông đến giáo dục đại học và giáo dục không chính quy. UNESCO nhấn mạnh rằng ESD không chỉ truyền đạt kiến thức về môi trường, mà còn rrang bị cho người học năng lực tư duy phản biện, ra quyết định có trách nhiệm, giải quyết vấn đề và hành động tích cực vì môi trường và xã hội và thúc đẩy tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo và sự tham gia công dân trong việc giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng và ô nhiễm.

Trong khung hành động toàn cầu (Global Action Programme – GAP) và sau này là Khung chương trình "ESD for 2030", UNESCO định hướng 5 ưu tiên:

- Tích hợp ESD vào chính sách giáo dục và phát triển bền vững ở cấp quốc gia.

- Biến đổi môi trường học tập để trở thành môi trường học tập bền vững.

- Tăng cường năng lực cho các nhà giáo dục và người học.

- Trao quyền cho thanh niên trở thành nhân tố chuyển đổi.

- Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ tri thức.

- ESD được xem là nền tảng để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 4.7 trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc: “Đến năm 2030, đảm bảo mọi người học đều được tiếp cận với kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững.”

1.2. Chiến lược Tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Mục tiêu tổng quát của chiến lược bao gồm:

- Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, carbon thấp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, hiện đại, hài hòa giữa kinh tế – môi trường – xã hội.

Các nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Chiến lược này nhấn mạnh vai trò trung tâm của nguồn nhân lực xanh – tức những người lao động có kỹ năng, tri thức và hành vi phù hợp với nền kinh tế xanh. Do đó, khuyến học xanh là một phần cấu thành quan trọng để thực thi chiến lược này.

1.3. Những biến đổi xã hội và yêu cầu mới của công dân trong thời đại hậu công nghiệp

Thời đại hậu công nghiệp (post-industrial era) hay còn gọi là thời đại tri thức – thời kỳ mà nền kinh tế và xã hội không còn dựa chủ yếu vào sản xuất vật chất mà dựa vào tri thức, dịch vụ và công nghệ cao đã làm thay đổi căn bản vai trò, trách nhiệm và yêu cầu đối với mỗi công dân. Một số đặc điểm nổi bật bao gồm:

- Tri thức và kỹ năng số trở thành nền tảng: công dân không chỉ cần biết đọc – viết – tính, mà còn cần biết sử dụng công nghệ, đánh giá thông tin và học tập liên tục trong suốt đời.

- Làm việc và học tập trong môi trường biến động: thế giới hậu công nghiệp đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng (chuyển đổi số, tự động hóa, AI), đòi hỏi người dân phải linh hoạt, tự học và có khả năng thích nghi nhanh.

- Gia tăng trách nhiệm xã hội và sinh thái: Công dân không chỉ là người tiêu dùng, mà còn là người định hình lối sống bền vững: tiêu dùng có trách nhiệm, bảo vệ tài nguyên, giảm phát thải, tham gia các hoạt động cộng đồng và bảo vệ môi trường.

- Nhu cầu tự định hướng và học tập suốt đời: việc học không còn giới hạn trong nhà trường, mà trải rộng trong cuộc sống – từ gia đình, cộng đồng, mạng xã hội đến môi trường làm việc. Công dân hậu công nghiệp cần có năng lực tự học, học qua trải nghiệm và kết nối với tri thức toàn cầu.

Vì vậy, trong thời đại mới, khái niệm “công dân học tập” được mở rộng và nâng cao – không chỉ là người biết học, mà là người học để sống xanh, sống có trách nhiệm, và cùng xây dựng xã hội phát triển bền vững.

2. Mục tiêu và nội dung của khuyến học xanh

Khuyến học xanh là một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cộng đồng, được xây dựng trên nền tảng của giáo dục suốt đời, đồng thời tích hợp tư duy phát triển bền vững và hành vi thân thiện với môi trường. Dưới đây là bốn nội dung trọng tâm và mục tiêu chính của khuyến học xanh:

- Xanh hóa tư duy và hành vi học tập: Xanh hóa tư duy là quá trình hình thành và phát triển nhận thức, lối sống, quan điểm và giá trị sống phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Hành vi học tập xanh không chỉ dừng lại ở việc học để có kiến thức, mà còn học để thay đổi cách sống, cách ứng xử với tự nhiên và xã hội. Đây là tiền đề để hình thành công dân có trách nhiệm với môi trường, giúp người học chuyển từ "biết" sang "hiểu", từ "hiểu" sang "hành động", từ đó hình thành văn hóa xanh trong cộng đồng.

- Xanh hóa môi trường học tập: Xanh hóa môi trường học tập là tạo dựng không gian học tập an toàn, thân thiện với thiên nhiên, ít phát thải và gắn kết với cộng đồng. Nó không chỉ là trồng thêm cây hay tiết kiệm điện, mà còn bao gồm thiết kế kiến trúc học đường, sử dụng năng lượng tái tạo, không gian học ngoài trời và môi trường học tập cộng đồng. Môi trường xanh góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người học, tạo điều kiện để người học hấp thụ tư duy xanh một cách tự nhiên và trực quan và là minh chứng sống động để "dạy bằng hành động", không chỉ bằng lời nói.

Tại Việt am hiện nay, một số mô hình như "Trường học thân thiện – học sinh tích cực", "Trường học sinh thái" đã được triển khai ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ tuy nhiên, hạ tầng ở nhiều nơi còn lạc hậu, việc xây dựng cơ sở học tập xanh còn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách và nhận thức của lãnh đạo nhà trường.

- Xanh hóa nội dung, phương pháp giảng dạy: Nội dung học tập xanh bao gồm những kiến thức liên quan đến môi trường, khí hậu, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng xanh… Phương pháp và hình thức học tập xanh là học thông qua trải nghiệm, học qua dự án thực tiễn, học từ cộng đồng và từ thiên nhiên, chứ không chỉ học lý thuyết trong lớp học. Việc này giúp người học hình thành năng lực hành động và giải quyết vấn đề môi trường thực tiễn, khuyến khích sự sáng tạo, tự chủ trong học tập, phù hợp với yêu cầu công dân trong thời đại chuyển đổi số và góp phần rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục và đời sống, giữa lý thuyết và thực hành.

- Xanh hóa cộng đồng học tập: xanh hóa cộng đồng học tập là việc xây dựng các mô hình "Gia đình học tập xanh", "Dòng họ học tập xanh", "Cộng đồng học tập xanh", "Công dân học tập xanh"... gắn kết chặt chẽ giữa học tập suốt đời và hành động vì môi trường, hướng đến phát triển bền vững ngay tại nơi cư trú và sinh sống. Việc này giúp lan tỏa tư duy học tập xanh vượt ra ngoài khuôn khổ trường học, tới mọi tầng lớp, mọi độ tuổi trong xã hội, tạo nền tảng cho việc xây dựng các xã hội học tập cấp cơ sở, gắn kết các mục tiêu giáo dục với mục tiêu phát triển cộng đồng đồng thời khuyến khích sự tham gia chủ động của người dân vào việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống tại địa phương.

Một số mô hình "Cộng đồng học tập cấp xã" đã được triển khai theo Quyết định 89/QĐ-TTg và Đề án 281 của Chính phủ, bước đầu có lồng ghép nội dung học tập xanh tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả còn hạn chế do chưa có bộ tiêu chí cụ thể cho “cộng đồng học tập xanh” và thiếu nguồn lực triển khai dài hạn.

Bốn mục tiêu – xanh hóa tư duy, môi trường, nội dung và cộng đồng học tập  nêu trên không thể tách rời nhau, mà bổ sung cho nhau, tạo thành một hệ sinh thái học tập xanh toàn diện. Để đạt được hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bên: chính quyền, trường học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là chính mỗi người dân.

3. Các mô hình, sáng kiến tiêu biểu trong triển khai khuyến học xanh

Để hiện thực hóa các mục tiêu của khuyến học xanh, nhiều mô hình và sáng kiến đã và đang được triển khai tại Việt Nam cũng như học hỏi từ quốc tế. Những mô hình này không chỉ mang tính giáo dục, mà còn có giá trị lan tỏa và thúc đẩy cộng đồng cùng hành động vì một tương lai xanh.

Khuyến học xanh – Hướng tới công dân học tập vì phát triển bền vững - Ảnh 2

- Trường học xanh: Là mô hình trường học có cơ sở vật chất thân thiện với môi trường, thiết kế không gian học tập mở, cây xanh bao phủ, sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đèn LED); Lồng ghép các hoạt động học tập, thực hành và truyền thông về môi trường trong hoạt động giảng dạy thường xuyên; Áp dụng nguyên tắc “3R” – Reduce, Reuse, Recycle (Giảm – Tái sử dụng – Tái chế) trong sinh hoạt học đường. 

Ví dụ thực tiễn: Trường THCS Trần Văn Ơn (TP. Hồ Chí Minh) triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn ngay trong lớp học; Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quảng Bình) lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, trồng rau thủy canh phục vụ bán trú và giáo dục STEM

- Câu lạc bộ "Giờ xanh học đường": Là các CLB do học sinh tự tổ chức, với sự hướng dẫn của giáo viên hoặc tình nguyện viên, nhằm thực hiện các hoạt động học tập – trải nghiệm về bảo vệ môi trường. Nội dung thường gồm: tái chế rác thải, trồng cây, xây dựng “vườn trường”, sản xuất phim/tờ rơi tuyên truyền, tổ chức hội chợ “xanh”, chiến dịch “Nói không với nhựa dùng một lần”. Tác động chính là Gắn giáo dục môi trường với năng lực hành động của học sinh, Tạo sân chơi bổ ích, phát triển kỹ năng mềm và tinh thần trách nhiệm cộng đồng

- Lớp học ngoài trời: Tổ chức các buổi học tại công viên, vườn trường, nông trại sinh thái, rừng phòng hộ… để học sinh tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên; Lồng ghép nội dung các môn học (khoa học, văn học, mỹ thuật…) vào hoạt động quan sát, khám phá và phản hồi từ môi trường thật. Mục đích chính của mô hình này là Nâng cao sự hứng thú học tập, tăng kết nối với thiên nhiên và Phát triển khả năng quan sát, tư duy phản biện và tình yêu đối với môi trường

- Gia đình học tập xanh: Khuyến khích mỗi gia đình không chỉ học tập suốt đời, mà còn học cách sống xanh: phân loại rác, tiết kiệm điện nước, trồng cây tại nhà, sử dụng thực phẩm hữu cơ, giảm thiểu tiêu dùng không cần thiết, Dòng họ phát động các phong trào học tập – sinh hoạt văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, phục dựng truyền thống xanh trong nếp sống làng xã. Điều này giúp khơi dậy trách nhiệm thế hệ đi trước trong việc làm gương về lối sống xanh và ắn kết giáo dục gia đình với giáo dục cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa tự nhiên

- Các sáng kiến số trong học tập xanh: Sử dụng công nghệ số để truyền thông, tổ chức học tập về môi trường qua các nền tảng như YouTube, mạng xã hội, học trực tuyến; Phát triển tài nguyên số về khuyến học xanh: thư viện điện tử, app nhận diện rác tái chế, trò chơi học tập xanh cho học sinh góp phần Giúp học tập xanh tiếp cận rộng rãi, không giới hạn không gian – thời gian và tạo thói quen sử dụng công nghệ phục vụ cuộc sống xanh và học tập suốt đời.

Mỗi mô hình khuyến học xanh có cách triển khai khác nhau, tùy theo bối cảnh vùng miền, cấp học, điều kiện xã hội – nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng một hệ sinh thái học tập lấy phát triển bền vững làm trung tâm. Việc tổng kết và nhân rộng các mô hình này là bước đi cần thiết để đưa “khuyến học xanh” trở thành trụ cột trong chiến lược giáo dục quốc gia giai đoạn mới

4. Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai khuyến học xanh

Việc triển khai khuyến học xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, để chuyển hóa từ định hướng chính sách thành hành động cụ thể và hiệu quả, cần nhìn nhận rõ ràng cả những thuận lợi hiện có và thách thức cần vượt qua

a) Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh

- Việt Nam đã xác định rõ chuyển đổi xanh là một trong ba trụ cột chiến lược cùng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

- Các văn kiện như Chiến lược Tăng trưởng xanh (2021–2030), Chiến lược phát triển giáo dục 2021–2030, các Nghị quyết của Trung ương và chương trình mục tiêu quốc gia đều lồng ghép mục tiêu bền vững và trách nhiệm môi trường.

- Điều này tạo hành lang pháp lý và nền tảng chính trị vững chắc để các mô hình khuyến học xanh được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

b) Hệ thống tổ chức Hội Khuyến học và mạng lưới cộng đồng học tập rộng khắp

Việt Nam có hàng chục nghìn Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, hàng triệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” – đây là nền tảng cực kỳ thuận lợi để triển khai học tập xanh một cách sâu rộng và lan tỏa.

Hội Khuyến học Việt Nam và các tổ chức đoàn thể có kinh nghiệm tổ chức phong trào, dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

c) Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường ngày càng tăng

Các sự kiện môi trường lớn (ô nhiễm không khí, rác thải nhựa, thiên tai do biến đổi khí hậu…) đã nâng cao đáng kể ý thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về lối sống xanh.

Phong trào “Nói không với nhựa dùng một lần”, “Trồng một tỷ cây xanh”, “Ngày Chủ nhật xanh” đã tạo môi trường thuận lợi để lồng ghép giáo dục xanh trong hoạt động học tập cộng đồng.

d) Sự hỗ trợ từ công nghệ và xu hướng giáo dục mở

Công nghệ thông tin, nền tảng học trực tuyến và truyền thông số giúp lan tỏa kiến thức, kỹ năng xanh nhanh chóng, linh hoạt, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Nhiều sáng kiến số trong học tập xanh đã được phát triển bởi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xã hội (edtech, green startup), tạo thành hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ cho khuyến học xanh.

4.2. Khó khăn

a) Thiếu khung chương trình, tài liệu chuẩn hóa về học tập xanh

- Hiện nay chưa có bộ giáo trình, tài liệu hoặc khung nội dung chuẩn về khuyến học xanh cho từng nhóm đối tượng (học sinh, người lớn, nông dân, công nhân…).

- Giáo dục môi trường mới chỉ xuất hiện rải rác trong chương trình học chính khóa, còn các lớp học cộng đồng chủ yếu lồng ghép không chính thức, thiếu hệ thống.

b) Năng lực triển khai còn hạn chế ở nhiều địa phương

- Nhiều cán bộ khuyến học, giáo viên, cộng tác viên ở cấp cơ sở chưa được tập huấn bài bản về giáo dục phát triển bền vững.

- Việc tổ chức hoạt động học tập xanh thường dựa trên sáng kiến cá nhân hoặc các dự án ngắn hạn, thiếu tính bền vững và khó nhân rộng.

c) Thiếu kinh phí và cơ chế tài chính dài hạn

- Các chương trình khuyến học thường phụ thuộc vào ngân sách địa phương hoặc tài trợ dự án, trong khi khuyến học xanh cần đầu tư cho cơ sở vật chất xanh, tài liệu, công nghệ, truyền thông…

- Chưa có chính sách rõ ràng để xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cho giáo dục cộng đồng về phát triển bền vững.

d) Sự quan tâm chưa đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực

- Một số địa phương đi đầu (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam…) đã có mô hình học tập xanh cụ thể, nhưng nhiều nơi – đặc biệt là vùng sâu vùng xa – còn chưa có nhận thức đầy đủ hoặc coi đó là việc thứ yếu.

- Ngành giáo dục chưa thực sự phối hợp sâu với ngành môi trường, nông nghiệp, truyền thông để tạo sức mạnh liên ngành thúc đẩy khuyến học xanh.

e) Tâm lý coi học tập xanh là phong trào ngắn hạn, thiếu chiều sâu

- Nhiều mô hình học tập xanh còn mang tính hình thức, phong trào, chưa thực sự thay đổi hành vi lâu dài của người học.

- Việc đánh giá, giám sát hiệu quả của các chương trình học tập xanh còn sơ sài, thiếu bộ chỉ số hoặc tiêu chí định lượng cụ thể.

Khuyến học xanh đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội” lớn khi các điều kiện chính trị, xã hội và công nghệ đều đang ủng hộ hướng phát triển này. Tuy nhiên, để phát triển sâu và rộng, cần vượt qua những rào cản về năng lực, cơ chế và nhận thức xã hội. Việc nhận diện đúng thuận lợi – khó khăn là cơ sở để đề xuất các giải pháp khả thi, bền vững và có tầm chiến lược.

5. Đề xuất và kiến nghị

Để triển khai hiệu quả khuyến học xanh trên phạm vi cả nước, cần có cách tiếp cận hệ thống, kết hợp giữa chính sách vĩ mô, sự tham gia của cộng đồng, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, cũng như ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt. Dưới đây là một số đề xuất trọng tâm:

5.1. Xây dựng bộ tiêu chí và khung đánh giá hoạt động khuyến học xanh

Phát triển bộ chỉ số đánh giá "mức độ xanh" trong học tập của từng cá nhân, gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng. Các chỉ số có thể bao gồm:

- Mức độ tích hợp nội dung môi trường vào chương trình học

- Tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng sạch tại cơ sở học tập

- Số lượng hoạt động học tập về phát triển bền vững

- Hành vi tiêu dùng, sinh hoạt xanh của người học

Việc có hệ thống đánh giá sẽ giúp chuyển đổi khuyến học xanh từ phong trào sang định hướng chiến lược, đồng thời tăng tính minh bạch và khả năng so sánh, giám sát. Bộ tiêu chí cũng là căn cứ để khen thưởng, hỗ trợ ngân sách, nhân rộng mô hình hiệu quả.

5.2. Tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến học

Thiết kế các khóa đào tạo chuyên đề cho cán bộ Hội Khuyến học cấp xã, phường, giáo viên phụ trách hoạt động ngoại khóa và Cộng tác viên học tập cộng đồng. Nội dung tập huấn cần tập trung vào: giáo dục vì phát triển bền vững (ESD), tổ chức lớp học xanh, kỹ năng vận động cộng đồng, truyền thông môi trường.

Đội ngũ triển khai là "xương sống" của khuyến học xanh. Nếu không có năng lực phù hợp thì chính sách dù hay cũng khó đi vào cuộc sống. Bồi dưỡng kỹ năng cũng giúp giảm phụ thuộc vào các dự án ngắn hạn và tạo động lực cho các sáng kiến tự phát triển từ cơ sở.

5.3. Tích hợp nội dung khuyến học xanh vào chương trình giáo dục chính quy và không chính quy

- Rà soát chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để bổ sung nội dung về: Biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, Kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng xanh, Kỹ năng sống bền vững

- Xây dựng các chuyên đề học tập xanh cho các lớp học cộng đồng, lớp xoá mù chữ, dạy nghề nông thôn...

- Học tập xanh không chỉ dành cho học sinh mà còn dành cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động, phụ nữ, nông dân – những người trực tiếp tác động đến môi trường sống. Việc tích hợp giúp tạo nền tảng bền vững, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" trong các mô hình rời rạc.

5.4. Hỗ trợ tài chính và cơ chế khuyến khích phát triển mô hình khuyến học xanh

- Thiết lập quỹ hỗ trợ khuyến học xanh ở cấp tỉnh/thành phố để: cấp kinh phí cho các mô hình thử nghiệm; hỗ trợ trang thiết bị (thùng rác phân loại, pin năng lượng mặt trời, thư viện xanh…); tổ chức cuộc thi, ngày hội, lễ hội khuyến học xanh

- Ban hành chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tài trợ cho giáo dục xanh.

- Khuyến học xanh không thể phát triển nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhỏ giọt của chính quyền địa phương. Cơ chế tài chính rõ ràng cũng giúp lan tỏa phong trào ra khu vực tư nhân, xã hội hóa hoạt động học tập bền vững.

5.5. Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác giữa các ngành: giáo dục, tài nguyên – môi trường, văn hóa, y tế, đoàn thể để lồng ghép học tập xanh trong các chương trình sẵn có.

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế (UNESCO, UNDP, JICA…) và học hỏi mô hình tiên tiến như: Trường học sinh thái (Eco-Schools – Thụy Điển, Đức), Cộng đồng học tập sinh thái (Nhật Bản), Mạng lưới học tập bền vững ASEAN

Học tập xanh không thể thành công nếu chỉ là nỗ lực đơn lẻ của ngành giáo dục. Hợp tác liên ngành và quốc tế giúp cập nhật xu hướng mới, tránh tình trạng "đi lại từ đầu", đồng thời tận dụng nguồn lực quốc tế.

5.6. Đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa mô hình học tập xanh tiêu biểu

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông về công dân học tập xanh, tôn vinh các mô hình tốt qua báo chí, mạng xã hội, hội chợ giáo dục...

- Xây dựng kho học liệu mở (Open Green Learning Resources) với tài liệu, video, bài giảng về học tập xanh, miễn phí cho cộng đồng.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong thay đổi hành vi – yếu tố cốt lõi của khuyến học xanh. Các mô hình hay cần được chia sẻ để tạo động lực cho nơi khác học hỏi và cải tiến.

Các đề xuất trên đây đều hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái học tập xanh toàn diện, gắn liền giữa cá nhân – cộng đồng – nhà trường – chính quyền. Để khuyến học xanh không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành phong trào bền vững, Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, huy động được sự đồng hành của toàn xã hội và học hỏi kinh nghiệm quốc tế một cách bài bản.

III. KẾT LUẬN

Khuyến học xanh là bước chuyển tất yếu trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Nó không chỉ là một phong trào hay chương trình ngắn hạn, mà là một chiến lược lâu dài để tạo ra một xã hội học tập xanh. Việc đầu tư vào khuyến học xanh cũng chính là đầu tư vào tương lai, vào một thế hệ công dân có tri thức, có trách nhiệm và có khả năng kiến tạo một Việt Nam xanh – sạch – đẹp.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến

Bạn đang đọc bài viết Khuyến học xanh – Hướng tới công dân học tập vì phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững
Nhiều năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và các chủ rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Bình đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Vân Đồn hướng tới du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao
Vân Đồn hiện đang là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi đến Quảng Ninh. Từ một huyện đảo hoang sơ, giờ đây, Vân Đồn đã trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh, nơi kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản.

Tin mới