Chủ nhật, 24/11/2024 08:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/11/2020 17:28 (GMT+7)

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng của phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.

Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.

Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng của phát triển bền vững - Ảnh 1
Nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín. (Ảnh: Internet)

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt.

Tại châu Âu, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia.

Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỉ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Còn tại Mỹ, bang California quy định rằng, trong công trình đường xá do chính quyền Bang đầu tư tối thiểu 25% vật liệu xây dựng phải lấy từ rác thải công nghiệp. Ngoài ra, các nhà máy xi măng sử dụng tro than trong sản xuất thì được giảm thuế.

Tại Nhật Bản, do luật môi trường hiện nay khá nghiêm ngặt, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng nhà máy xi măng hay liên kết với các công ty khác để sử dụng tro xỉ than một cách hiệu quả.

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng của phát triển bền vững - Ảnh 2
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên. (Ảnh: Internet)

Việt Nam cũng đang đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế.

Trước thực tế đó, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, phát triển bền vững.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, chia sẻ với VOV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có 115 mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa vào “Chương trình hành động quốc gia” để thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững cho Việt Nam. Hiện tại, những mục tiêu trên đã được lồng ghép tất cả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong kế hoạch 5 năm tới, dự kiến sẽ trình thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bà Phạm Chi Lan nhận định, để vừa vực dậy doanh nghiệp và đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trong các chuỗi cung ứng và triển khai hiệu quả hơn. Theo đó, doanh nghiệp phải nghĩ việc trở lại như là một sức mạnh mới và bền bỉ để đi xa hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn. doanh nghiệp cần dựa vào công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa để linh hoạt trong kinh doanh.

Cùng với đó là tham gia một cách tích cực trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay - các đường lối, chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động, từ đó tái đầu tư cho phát triển bền vững.

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng của phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới