Chủ nhật, 24/11/2024 06:23 (GMT+7)
Thứ năm, 07/11/2019 10:00 (GMT+7)

Kinh tế tuần hoàn tài nguyên quản lý rác thải sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Xây dựng kinh tế tuần hoàn để xử lý rác, giảm thiểu rác thải nhựa là một xu hướng của thế giới hiện nay. Việc này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu, cải cách công nghệ và cải cách quản lý, vì vậy, cần hết sức thận trọng và chuyên nghiệp.

Trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã đề cập đến nội dung trên nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của cải cách công nghệ trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tài nguyên (rác).

Kinh tế tuần hoàn tài nguyên quản lý rác thải sinh hoạt - Ảnh 1
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).

PV: Bà có thể cho biết, kinh tế tuần hoàn là gì và những quốc gia nào trên thế giới đã áp dụng thành công?

Bà Nguyễn Ngọc Lý:

Về khái niệm kinh tế tuần hoàn để xử lý rác thải, bản thân nội hàm chữ “tuần hoàn” có nghĩa là quay vòng, tái sử dụng. Tái sử dụng, tái chế các vật liệu hàng ngày, tái sử dụng túi ni lông, rác thải, đồ ăn thừa là rác hữu cơ để làm thức ăn cho gia súc là thực tế đã tồn tại rất lâu ở quy mô hộ gia đình, cộng đồng trong khuôn khổ hoạt động xã hội, ở cấp vi mô.

Nền kinh tế tuần hoàn để xử lý rác thải xuất phát từ vấn đề rác thải do đô thị hóa - hiện đại hóa rất nhanh của thế giới, đặc biệt, những nước đã phát triển phải đối mặt với thách thức về lượng rác thải tăng cao và cách thức xử lý trước đây như chôn lấp không thể giải quyết vấn đề. Đặc biệt, khi văn minh dùng đồ nhựa bắt đầu từ những năm 1950, sau đó, bùng nổ đến nay do nhu cầu sử dụng vật liệu nhựa trong công nghệ, công nghệ thực phẩm và dịch vụ. Rác thải nhựa đã chiếm một phần lớn trong túi rác thải sinh hoạt. Với tính chất không phân hủy và tiềm năng gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất cực kỳ lớn, rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong ngành quản lý rác thải và kiểm soát ô nhiễm.

Rác thải nhựa và một số thành phần rác khác lại có khả năng tái chế và tái sử dụng. Trong 20 năm qua, đối mặt với việc xử lý rác, gặp nhiều thách thức trong vấn đề chôn lấp và môi trường ô nhiễm do rác gây ra, nhiều nước đã áp dụng kinh tế tuần hoàn để xử lý rác thải. Ở châu Á các nước có công nghiệp tái chế, xử lý rác thải hiệu quả nhất hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Indonesia và Thái Lan đang tăng tốc phát triển kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác. Việt Nam chúng ta đang trong giai đoạn bắt đầu.

PV: Để có thể vận hành nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên trong quản lý rác thải sinh hoạt, cần phải đảm bảo những yếu tố nào?

Bà Nguyễn Ngọc Lý:

Khi nói tới kinh tế tuần hoàn là phải có cung, cầu, tạo ra tài sản, tạo ra sản phẩm... tức là các chuỗi sản phẩm khác nhau. Các chuỗi này phải dựa vào đầu tư, công nghệ, chính sách và cơ chế tài chính để phát triển.

Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải đô thị đòi hỏi mọi yếu tố cần thiết đã nêu từ chính sách, luật pháp, vai trò của các thành phần kinh tế tham gia như công ty tư nhân, Nhà nước, người dân trong chuỗi giá trị rác. Khi chuyển từ cấp độ vi mô (tuần hoàn hộ gia đình, cộng đồng) sang quy mô lớn (cả xã hội) đòi hỏi vận hành mang tính hệ thống, vai trò Nhà nước, chính sách, luật pháp, công nghệ, doanh nghiệp, người dân, các chuỗi dịch vụ liên quan tới rác thải trong hệ thống đó phải được xác định và có những vai trò cụ thể.

Kinh tế tuần hoàn tài nguyên quản lý rác thải sinh hoạt - Ảnh 2
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tài nguyên trong quản lý rác thải sinh hoạt.

Tại sao câu chuyện về rác thải lại khó, tại sao thực hiện lại khó, vì nó “động chạm” đến từng người dân. Khi ta tổ chức một nền kinh tế đòi hỏi trách nhiệm từng người dân phải tham gia là rất khó. Chính vì vậy, quan trọng nhất là luật lệ, chính sách để xác định vai trò của từng bên tham gia.

Về đầu tư, cần minh bạch trong vấn đề người gây ô nhiễm phải trả tiền, tức là các doanh nghiệp, người dân (bên gây ô nhiễm) phải có trách nhiệm trả tiền và tiền này phải được sử dụng như nguồn vốn đầu tư thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và các doanh nghiệp tái chế. Các công ty tư nhân trong bối cảnh không ai muốn triển khai các dự án, hoạt động về rác vì nó không tạo lợi nhuận như các ngành kinh tế khác, do đó, cần có chính sách hỗ trợ và tài chính từ nguồn tiền do người gây ô nhiễm trả.

Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất nhiều vấn đề quan trọng. Ngoài các yếu tố về công nghệ, chính sách, sự tham gia của các bên, một yếu tố khác quan trọng không kém là tuyên truyền, giáo dục. Đây là những bài toán tưởng nhỏ nhưng rất lớn, khả năng tiềm ẩn thất bại cao, nên cần nghiên cứu và cần xử lý đồng bộ mới hiệu quả..

PV: Việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên trong quản lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam liệu có khả quan và chúng ta có dễ dàng triển khai mô hình này như các nước phát triển trên thế giới không, thưa bà?

Bà Nguyễn Ngọc Lý:

Hàn Quốc là nơi tôi đã được tham quan và học hỏi về kinh tế tuần hoàn rác. Họ chia sẻ từ khi họ nghĩ tới khái niệm này tới lúc họ làm được phải mất một thời gian khá dài để nghiên cứu và thử nghiệm, có thể lên tới 15 năm để xây dựng, thiết lập và vận hành.

Rõ ràng, mong muốn xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải sinh hoạt là một hướng hết sức quan trọng mà nước ta hiện nay cũng đang suy nghĩ, cân nhắc để xây dựng. Tuy vậy, cho đến lúc, có một hệ thống tái chế, tái sử dụng hoàn hảo và xử lý được vấn đề rác đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không thể có ngay được.

Ở cấp độ gia đình và cấp cộng đồng chúng ta đã có nền kinh tế này. Mặc dù, rất nhỏ nhưng ở nước ta đã có hoạt động tái chế rất rõ rệt, chẳng hạn như hàng ngày chúng ta thấy lực lượng đồng nát đi thu gom chai, lọ, nhựa,… hay có rất nhiều cơ sở tái chế nhựa nhỏ lẻ của tư nhân, gia đình để sản xuất ra túi ni lông, có nhiều xưởng nhựa đã làm chậu nhựa từ các loại nhựa khác nhau...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn tài nguyên quản lý rác thải sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới