Chủ nhật, 24/11/2024 04:41 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 18:00 (GMT+7)

Kon Tum: Nước hồ thủy điện Yaly đổi màu là do hiện tượng 'tảo nở hoa'

Theo dõi KTMT trên

Thông tin từ Sở TN&MT Kon Tum cho biết, hiện tượng nước có màu xanh ở lòng hồ thủy điện Yaly là do dư thừa chất dinh dưỡng và tảo đột biến, bị phân hủy làm nước có màu xanh, nổi váng (còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa").

Theo báo cáo từ Sở TN&MT tỉnh Kon Tum sau khi tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực lòng hồ thủy điện Yaly (huyện Sa Thầy, Kon Tum), Đoàn kiểm tra tỉnh Kon Tum nhận định tình trạng nước hồ có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng (nitơ và photpho) hay còn gọi là hiện tượng “phú dưỡng hóa"; kết hợp với nhiệt độ trong nước tăng lên làm cho tảo phát triển đột biến, bị phân hủy làm đổi màu nước còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa".

Kon Tum: Nước hồ thủy điện Yaly đổi màu là do hiện tượng 'tảo nở hoa' - Ảnh 1
Tình trạng nước hồ có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng hay còn gọi là hiện tượng “phú dưỡng hóa". (Ảnh: Đức Nhật)

Đoàn kiểm tra đã đi thực địa dọc lòng hồ thủy điện Yaly từ thượng nguồn về đến xã Yaly (huyện Sa Thầy), nhận thấy nước hồ có màu sắc bình thường, không có mùi hôi. Riêng tại vị trí xung quanh cầu Đông Hưng thuộc thôn Kiến Hưng, xã Yaly (đặc biệt là vùng nước gần bờ), nước có màu xanh đậm, nổi váng. Khảo sát khu vực xung quanh cầu Đông Hưng, không có các nguồn thải công nghiệp thải vào nguồn nước hồ Yaly.

Tại khu vực lòng hồ Yaly, hiện tại người dân đang canh tác nông nghiệp tại vùng bán ngập với tổng diện tích hơn 300ha. Trong đó, diện tích vùng bán ngập có khoảng 15ha cây mì (sắn). Về việc nước hồ có màu xanh, theo đoàn kiểm tra do người dân canh tác trồng mì trong vùng bán ngập nhưng việc thu hoạch mì chưa triệt để (cây, cành, lá, mủ mì còn sót lại hoặc chưa thu hoạch kịp) bị ngập nước và bị phân hủy dẫn đến sự xuất hiện của tảo lam làm đổi màu nước hồ.

Đoàn kiểm tra khảo sát tại các vị trí xả thải của các nhà máy trên địa bàn huyện Sa Thầy, chảy về khu vực thị trấn Sa Thầy, trước khi đổ ra lòng hồ Yaly, nước không có màu sắc khác thường.

Báo cáo cũng cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh này tổ chức trinh sát khu vực xung quanh các nhà máy trên địa bàn huyện Sa Thầy chưa phát hiện có hiện tượng xả thải trái phép, xả thải vượt quy chuẩn cho phép.

Kon Tum: Nước hồ thủy điện Yaly đổi màu là do hiện tượng 'tảo nở hoa' - Ảnh 2
Dọc hai bên bờ cho biết, nước có mùi hôi và nổi váng. (Ảnh: Báo TN&MT)

Trước đó, theo phản ánh của người dân ở hạ nguồn suối Đăk Xier, nơi đổ ra lòng hồ thuỷ điện Yaly phát hiện nước ở đây đổi màu xanh đục, đặc quánh. Nhiều hộ dân sống và canh tác dọc hai bên bờ cho biết, nước có mùi hôi. Họ lo ngại nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

Hiện Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Kon Tum đã lấy 4 mẫu nước. Trong đó 2 mẫu nước tại vị trí xả thải của các nhà máy và mẫu nước mặt suối Đăk Sia. 2 mẫu nước khác được lấy trên hồ Yaly. Sau khi có kết quả phân tích, Sở TN&MT sẽ tổng hợp và thông báo cho chính quyền địa phương biết để thông tin đến người dân.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đề nghị, Phòng chức năng huyện Sa Thầy tăng cường giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các Nhà máy trên địa bàn; phối hợp với chính quyền xã tiếp tục theo dõi các hiện tượng bất thường (nếu có) tại khu vực lòng hồ Yaly và kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Đối với Ủy ban Bhân dân xã Yaly cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu dọn triệt để các phế phẩm từ quá trình canh tác trong vùng bán ngập, đặc biệt là cây mỳ (sắn) sau khi thu hoạch xong; thực hiện thu hoạch theo đúng thời vụ, phù hợp với thời điểm nước hồ dâng lên để hạn chế việc phát thải các chất hữu cơ vào lòng hồ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Nhà máy thủy điện Yaly nằm trên dòng Krông B'Lah, ở ranh giới huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Công trình khởi công năm 1993 và hoàn thành năm 2002, công suất 720 MW. Lòng hồ thủy điện rộng hơn 64 km2, phần lớn nằm ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Theo các nghiên cứu, "tảo nở hoa" là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng lên đến hàng triệu tế bào/lít (thông thường có khoảng 10 – 100 tế bào vi tảo/ml, nhưng trong trường hợp “nở hoa” mật độ có thể lên trên 10.000 tế bào/ml) làm biến đổi màu của nước biển từ xanh lục đậm, đỏ cho đến vàng xám.

Theo đó, hiện tượng này có liên quan chặt chẽ tới sự phú dưỡng của thủy vực. Nguyên nhân của hiện tượng trên có liên quan đến các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn và hàm lượng muối dinh dưỡng cũng như các trường khí – thủy văn. Ngoài ra, các chất thải từ hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản, hóa chất… cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hiện tượng tảo nở hoa.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Nước hồ thủy điện Yaly đổi màu là do hiện tượng 'tảo nở hoa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới