Chủ nhật, 24/11/2024 04:55 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/09/2024 06:40 (GMT+7)

Lâm Đồng: Ban hành quy định cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nhằm đảm bảo quy hoạch sử dụng đất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định mới về diện tích đất được phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Ngày 27/09/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký ban hành Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND về việc quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy định nêu trên, điều kiện để được xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm: Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất; Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng từ 500 m² trở lên (bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng người sử dụng đất); Không thuộc trường hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 121 Luật Đất đai năm 2024.

Lâm Đồng: Ban hành quy định cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp - Ảnh 1
Lâm Đồng cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. 

Quyết định trên nêu rõ, diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Diện tích khu đất từ 500 m² đến 5.000 m² được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 25 m².

Diện tích khu đất từ 5.000 m² đến 10.000 m² được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 50 m².

Diện tích khu đất từ 10.000 m² trở lên được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 75 m².

Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xây dựng tại nhiều vị trí trong khu đất, nhưng tổng diện tích không vượt quá quy định nêu trên.

Người sử dụng đất khi có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi có đất.

Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lập hồ sơ theo dõi việc xây dựng công trình trên đất đúng theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về nội dung quyết định nêu trên, Luật sư Phan Văn Tú - Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đây là quyết định mang tính đột phá của tỉnh Lâm Đồng. Quyết định nêu trên góp phần hạn chế tình trạng xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

“Quy định này mang tính chất tháo gỡ khó khăn cho người dân sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành chức năng địa phương cũng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng cách thường xuyên kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, minh bạch để tránh những trường hợp lợi dụng những điều kiện trên để sử dụng đất trái mục đích, phá vỡ quy hoạch địa phương”, Luật sư Phan Văn Tú nhấn mạnh.

Thanh Tùng - Cao Hiếu

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Ban hành quy định cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới