Làm thế nào để vùng đất 'Chín Rồng' lấy lại vị thế?
Năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 ĐBSCL. Nhưng từ 2010 đến nay, con số này đảo ngược. 30 năm qua, vùng đất "Chín Rồng" tiến lùi về kinh tế.
ĐBSCL - đất "Chín Rồng" là nơi của rất nhiều nghịch lý phát triển. Tỉ lệ xuất khẩu hàng đầu cả nước nhưng hệ thống giao thông thuộc dạng "nghèo nàn" nhất. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm tốt nhất cả nước, liên tục tăng qua các năm, nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại giảm. Xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, 7 triệu tấn/năm, nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia.
Mới đây, trong chương trình hành động của mình tại Cần Thơ với tư cách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra thêm một nghịch lý nữa: "ĐBSCL có tiềm năng lớn nhưng chính sách hạn hẹp".
Năm 2021, lần đầu tiên một tỉnh ĐBSCL có ứng cử viên đại biểu Quốc hội là Thủ tướng. Chương trình hành động của ông đặt ra mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm của 13 tỉnh ĐBSCL và là thành phố lớn của khu vực.
Chú trọng quá nhiều đến sản xuất
Đặt chân đến TP.Cần Thơ vào chiều muộn ngay trước ngày tiếp xúc cử tri đầu tiên, một trong những người đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm gặp là GS.TS Võ Tòng Xuân, "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon ở vựa lúa ĐBSCL. “Thủ tướng muốn thăm dò thêm về chương trình hành động của mình”, GS Xuân kể lại.
Một trong nhiều vấn đề được GS Võ Tòng Xuân tham vấn cho Thủ tướng khi ấy là về Nghị quyết 120.
Nghị quyết 120 đã giúp nông dân sản xuất "thuận thiên".
GS.TS Võ Tòng Xuân
Ba năm nay, Nghị quyết 120 là cảm hứng mới cho người dân nơi đây. Năm 2020, trong khủng hoảng Covid-19, Việt Nam vẫn xác lập kỷ lục xuất khẩu nông sản đạt mốc 41,2 tỉ USD, cao nhất trong suốt 35 năm đổi mới.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng Nghị quyết 120 chưa thể giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng mà chính sách an ninh lương thực để lại, cùng với đó, hạ tầng và cơ chế quản trị cũng là những bài toán khó của vùng.
GS Võ Tòng Xuân nhắc lại trước khi có Nghị quyết 120, Nhà nước triển khai chương trình an ninh lương thực, chỉ khuyến khích nông dân trồng lúa. Khi đó, nông dân coi xâm nhập mặn là kẻ thù, thách thức. Họ trồng lúa ra tận ven biển, ngăn mặn, đưa nước ngọt vào để gieo trồng ở vùng ngọt hóa.
Khi đổi sang Nghị quyết 120 với tôn chỉ “thuận thiên”, tận dụng nước mặn để nuôi trồng theo hệ lúa - tôm, nông dân biết lợi dụng thiên nhiên để sản xuất thủy hải sản, tạo ra các hàng hóa cao hơn cây lúa.
“Nghị quyết 120 đã làm được một số việc, nhưng rõ ràng so với yêu cầu, mong muốn, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của khu vực thì chưa được bao nhiêu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn đánh giá tình hình.
Có quan điểm tương tự, GS Võ Tòng Xuân phân tích Nghị quyết này mới chỉ nói tới chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trong khi cơ sở vật chất thì chưa được phát triển đồng bộ. Ông dẫn chứng hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước phục vụ mô hình lúa - tôm chưa được đầu tư, cùng với việc người dân nuôi tôm tự phát, dẫn đến tình trạng bệnh tôm lây lan. Nguyên nhân là người này xả nước bẩn ra ruộng, sau đó người khác lại lấy nước bẩn từ ruộng đó vào để thay nước cho tôm.
Nói về điểm yếu của ĐBSCL, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), chỉ ra khu vực này chú trọng quá nhiều đến sản xuất và ít quan tâm đến thị trường. Cụ thể, người dân chỉ quan tâm tới canh tác mà quên mất chế biến, thương mại, vận tải, logistics, tín dụng, marketing… Do đó, nông dân thường lâm vào cảnh được mùa rớt giá vì không kiến tạo được thị trường, không có thương hiệu tốt cũng như kênh phân phối hiệu quả.
GS Võ Tòng Xuân nhận định thêm "mạch máu" giao thông tắc nghẽn là nguyên nhân đang níu chân ĐBSCL nhiều năm qua.
Nghẽn mạch máu giao thông, di dân báo động
Trong 1.300 km đường cao tốc của cả nước, ĐBSCL - nơi chiếm 20% dân số và diện tích - chỉ có 100 km (cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).
TS Vũ Thành Tự Anh so sánh tổng số đường cao tốc ở 13 tỉnh miền Tây chỉ bằng một nửa so với Quảng Ninh. Nghịch lý ở chỗ, với hệ thống giao thông đường bộ nghèo nàn và hạn chế, nơi đây là vùng xuất khẩu hàng đầu của cả nước, các sản phẩm nông nghiệp vươn tới 190 thị trường trên thế giới (2020).
Cao tốc từ TP.HCM nối ĐBSCL chậm quá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
GS Xuân nhiều lần khẳng định giao thông là mạch máu, mạch máu thông suốt kinh tế mới đi lên. Khi có hệ thống đường cao tốc và quốc lộ, quy hoạch vùng cũng sẽ được bố trí dọc tuyến giao thông huyết mạch để thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng là Nhà nước phải có định hướng. Một mặt quy hoạch người dân khu vực nào trồng cây gì, nuôi còn gì. Một mặt khuyến khích doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho người dân. Từ đó hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ vùng. Tuy nhiên, thực tế, giao thông đình trệ hàng chục năm khiến các quy hoạch này phải nằm chờ.
Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ba nhiệm kỳ kể từ bản quy hoạch năm đó, khu vực chưa có thêm tuyến cao tốc nào mới ngoài TP.HCM - Trung Lương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: “Cao tốc từ TP.HCM nối ĐBSCL chậm quá”. Ông cho rằng nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ là giao thông, cả về đường bộ, đường không, đường thủy nhằm tạo ra thật nhiều lối lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, yếu tố con người đang là thách thức nghiêm trọng của vùng.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020 vừa được Trường Chính sách công và quản trị Fulbright công bố chỉ ra giữa 2 kỳ điều tra dân số 2009 và 2019, ĐBSCL chỉ tăng từ 17,2 triệu người lên 17,3 triệu người, tức 10 năm chỉ tăng 100.000 người, tương đương 0,045%. Đây là vùng có tốc độ tăng trưởng dân số thấp nhất cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử, nơi đây chứng kiến sự di dân khi tỉ lệ thay đổi dân số hàng năm chuyển từ 0% xuống âm. Cùng với đó, ĐBSCL cho thấy sự tụt hậu rõ ràng về giáo dục. Tỉ lệ đi học chung ở đây là 60%, thấp nhất cả nước, còn tỉ lệ đi học đúng tuổi chỉ đạt hơn 55% (2019).
TS Vũ Thành Tự Anh chỉ ra ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. “Nếu doanh nghiệp muốn về đây mở nhà máy, tìm lực lượng lao động lớn là rất khó vì lao động rẻ và có kỹ năng đã di chuyển sang Đông Nam Bộ”, ông phân tích.
Chuyên gia nhận định di cư diện rộng, đặc biệt là giới trẻ, lao động có kỹ năng suy giảm, tình trạng già hóa dân số nhanh nhất nước là những yếu tố khiến con người trở thành bài toán nan giải nơi đây.
Là người quản lý cơ sở đào tạo lớn nhất vùng, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ, có nhận định tương tự. Ông chia sẻ thêm bối cảnh thực tế người trẻ hầu hết đi học tại TP.HCM và tỉ lệ người quay về làm việc rất thấp.
Từ năm 2017, ĐBSCL chứng kiến sự di dân khi tỉ lệ thay đổi dân số hàng năm chuyển từ 0% xuống âm.
TS Vũ Thành Tự Anh
Là cơ sở đào tạo nhân lực hàng đầu của vùng, ông cho biết Đại học Cần Thơ xây dựng các chương trình học dựa trên phát triển lĩnh vực mà ĐBSCL đang có nhu cầu nhằm tạo ra nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, thực tế có không ít điểm nghẽn.
“Điều may mắn là trong lần tiếp xúc cử tri tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng đã trực tiếp đề nghị tháo gỡ cơ chế cho trường để chủ động hơn trong đào tạo nguồn nhân lực vùng, có cơ chế thông thoáng giải quyết đào tạo, tăng cơ chế tự chủ cho trường”, GS Phương kể lại và cho biết đây là tín hiệu tích cực giúp ĐBSCL giải quyết được vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.
Với quan điểm “Chính phủ có trách nhiệm nhưng các địa phương phải biết khai thác thế mạnh chứ không ngồi chờ”, Thủ tướng kêu gọi Đại học Cần Thơ tự xây dựng một hệ sinh thái các trường đại học của vùng để mở rộng đào tạo nguồn nhân lực, hạn chế tình trạng di dân. Chia sẻ tầm nhìn với Thủ tướng, GS Phương cho rằng không chỉ Cần Thơ mà toàn vùng đều đang cần một cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển.
Điểm yếu của ĐBSCL
Giải quyết mâu thuẫn tiềm năng lớn - chính sách hạn hẹp của ĐBSCL là trọng tâm trong chương trình hành động của Thủ tướng tại đây. Thế nhưng, làm sao để cơ chế này vừa tận dụng được tiềm năng, vừa khắc phục được hạn chế?
TS Vũ Thành Tự Anh phân tích sự phân tán là một trong những điểm yếu chí tử của vùng đất "Chín Rồng". 13 tỉnh miền Tây đang cần một định hướng chính sách để tháo gỡ vấn đề này.
Nếu như tiếp tục phân tán thì ĐBSCL sẽ mất sức mạnh.
TS Vũ Thành Tự Anh
Qua quá trình nghiên cứu khu vực này, ông nhận thấy 13 tỉnh cạnh tranh với nhau một cách quyết liệt. Ngoài khía cạnh tích cực, sự cạnh tranhgây khó khăn trong việc giải quyết các thách thức có quy mô cấp vùng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói mòn tài nguyên…
“Nếu như tiếp tục phân tán thì ĐBSCL sẽ mất sức mạnh. Vùng đất này chỉ có thể phát triển nếu như tất cả 13 tỉnh, thành phố tạo ra sự đồng thuận và ưu tiên chiến lược phát triển toàn vùng; Từ đó thống nhất phân bổ nguồn lực và có được sự lan tỏa, cộng hưởng về đầu tư và chiến lược phát triển”, TS Tự Anh chỉ ra.
Sự phân tán thứ hai là người dân nơi đây chủ yếu sống theo tuyến chứ không theo cụm. Cụ thể, người dân sống dọc theo lộ và các con sông. Điều này làm cho việc phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, xử lý nước thải rất khó khăn. Do đó, cần phải thay đổi các tập quán về sinh sống thông qua các biện pháp có tính quy hoạch, nếu không sẽ rất khó phát triển.
Thứ ba, hoạt động sản xuất của đồng bằng, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hội rất lẻ mẻ. Thay vì phát triển chuỗi giá trị ở cụm này thì “mạnh ai nấy chạy”. Dù có cơ chế hội đồng vùng, ông Tự Anh cho rằng hiện nay nó còn yếu và thiếu hiệu lực.
Đề xuất giải pháp, TS Tự Anh cho rằng điều kiện tiên quyết để thực hiện tất cả biện pháp tạo ra sự tập trung thay cho phân tán đó là thay đổi cơ chế khuyến khích cho các địa phương.
"Nếu lãnh đạo tất cả địa phương được đánh giá bằng GDP, ngân sách, xuất nhập khẩu và thành tích có tính cục bộ địa phương thì chắc chắn chính sách của họ chỉ lo cho địa phương thay vì toàn vùng. Không thay đổi được cơ chế khuyến khích này thì bất kỳ cơ chế điều phối vùng nào cũng trở nên khó khăn”, ông nêu giải pháp.
ĐBSCL cần một cơ chế điều phối vùng mới.
TS Vũ Thành Tự Anh
Cơ chế điều phối thực sự có hiệu lực phải là nơi tạo ra được các quyết định về tài khóa, quy hoạch, đầu tư và ở vị trí có động cơ theo đuổi lợi ích toàn vùng chứ không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ địa phương.
“Tôi nghĩ Trung ương nên để ĐBSCL có một mô hình thí điểm về cơ chế điều phối vùng mới. Khi ấy, vùng mới trở thành một chỉnh thể kinh tế đủ lớn để phát triển một kết cấu kinh tế và một hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh hiện đại”, ông kiến nghị.
Năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 ĐBSCL. Đến năm 2010, con số này đảo ngược: GDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 TP.HCM. Tỉ lệ này được duy trì cho đến ngày nay. Những con số này cho thấy 30 năm qua, ĐBSCL "tiến lùi" về kinh tế.
Kinh tế tụt hậu. Tài nguyên suy thoái. Di cư báo động. ĐBSCL đang đứng trước một giai đoạn cấp thiết đòi hỏi cấp tốc vươn lên. Giới chuyên gia và người dân nơi đây kỳ vọng nhiều vào một chỉ huy trưởng sẽ đưa vùng đất Cửu Long lấy lại vị thế.
Thu Hằng