Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/05/2021 07:30 (GMT+7)

Lãng phí tài nguyên nhìn từ góc độ xử lý phế thải xây dựng

Theo dõi KTMT trên

Chất thải rắn xây dựng (phế thải xây dựng) chiếm từ 20-25% chất thải sinh hoạt, nhưng hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng chưa thực sự hiệu quả.

Ngổn ngang bãi phế thải xây dựng

Trung bình mỗi ngày tại Hà Nội và TP.HCM phát sinh khoảng 2.500 - 3.000 tấn phế thải xây dựng, nhưng chỉ một số lượng ít được đưa vào các bãi chôn lấp, còn lại đa phần đổ lẫn vào rác thải sinh hoạt hay đổ trộm ra các bãi đất trống, ao hồ…, gây tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

Đại diện một công ty thu gom rác thải tại Hà Nội cho biết, các nhân viên môi trường của đơn vị này thường xuyên buộc phải thu gom các bao tải đựng phế liệu xây dựng ở gốc cây, chân cột điện hay vệ đường. Mặc dù việc thu gom chất thải rắn xây dựng không thuộc chức năng của đơn vị và gây khó khăn trong quá trình phân loại xử lý, nhưng đơn vị này vẫn buộc phải thu dọn vì nếu không đường phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Lãng phí tài nguyên nhìn từ góc độ xử lý phế thải xây dựng - Ảnh 1
Đống vật liệu dài hàng cây số.

Cũng theo vị này, tình trạng phế thải xây dựng ở khu vực đô thị trung tâm được vận chuyển và đổ trộm ở các bãi đất trống ở các quận, huyện ngoại thành là không ít.

Các chuyên gia đô thị cho rằng, tình trạng, chất thải rắn xây dựng không được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn lãng phí lượng lớn nguồn tài nguyên.

Theo một khảo sát của Viện Môi trường quốc gia Nhật Bản kết hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam tại 15 công trình xây dựng và phá dỡ tại Hà Nội cho thấy, tỉ lệ tái chế rác thải xây dựng chỉ đạt khoảng 10%. Trong khi đó, 22% tổng lượng phế thải xây dựng được đổ tại các bãi thải không chính thống và xấp xỉ 7% không rõ địa điểm đổ. Trong chất thải rắn xây dựng có nhiều nguyên vật liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng cao như kim loại, gạch, bê tông, thép.

Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng ra sao?

Ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về quản lý chất thải và phế liệu. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của hai Bộ gồm Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn xây dựng nói riêng.

Để cụ thể hóa, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 08 năm 2017 quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng. Theo đó, các chủ đầu tư, nhà thầu chính có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng, phân loại, thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng phát sinh trên công trường xây dựng hoặc ký hợp đồng với chủ thu gom xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Đồng, trên thực tế, các chủ đầu tư xây dựng chưa thực hiện nghiêm các quy định này mà thường thu gom chất thải rắn xây dựng và đổ lẫn với rác thải sinh hoạt gây khó khăn hơn cho quá trình xử lý, tái chế.

Lãng phí tài nguyên nhìn từ góc độ xử lý phế thải xây dựng - Ảnh 2
Rác thải xây dựng “bủa vây” các bãi đất trống trong đô thị.

Còn theo PGS TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng thì Thông tư 08 cũng đã đề cập đến trách nhiệm của các nhà tư nhân, các hộ gia đình riêng lẻ đối với chất thải rắn xây dựng do hoạt động tháo dỡ, sửa chữa công trình nhà ở của người dân. Song thực tế cho thấy, đa phần các hộ gia đình nhỏ lẻ thường thuê những người làm đồng nát, xe thồ vận chuyển rác thải rắn xây dựng nhưng những người này thường “tiện đâu đổ đấy", chứ không mang ra các bãi tập kết rác.

Ngoài sự thiếu ý thức trách nhiệm của một bộ phận chủ đầu tư, người dân, thực trạng thiếu các bãi tập kết, trung chuyển chất thải rắn xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất thải xây dựng không được phân loại và đổ sai quy định.

Ông Tiến phân tích thêm, hầu như trong các đồ án quy hoạch xây dựng chưa xác định các bãi tập kết chất thải rắn xây dựng mà vẫn đang được quy hoạch chung với các bãi tập kết, xử lý chất thải rắn nói chung. Ngoài ra, hiện nay công tác tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nguồn lực hạn chế, điều này gây lãng phí nguồn lực kinh tế khi một lượng lớn chất thải rắn xây dựng chưa được tái chế, tái sử dụng đúng cách.

Được biết, hiện nay quỹ đất dành để bố trí các bãi tập kết, trung chuyển chất thải rắn xây dựng còn hạn hẹp. Từ năm 2011, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt chủ trương lập 14 điểm tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng cho toàn thành phố nhưng sau 10 năm, thành phố hiện chỉ có bốn bãi đổ chất thải rắn xây dựng, gồm hai bãi ở huyện Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Hiện các bãi chôn lấp này cũng đang trong tình trạng quá tải.

Kiểm soát chất thải rắn từ khâu thiết kế, cấp phép xây dựng

Một số chuyên gia cho rằng, để hạn chế và kiểm soát lượng chất thải rắn xây dựng, ngay từ khâu thiết kế công trình, kiến trúc sư cần đưa ra những giải pháp thiết kế và công nghệ lựa chọn, sử dụng vật liệu “xanh”, có khả năng tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải xả ra môi trường.

Ông Đồng cho rằng, cần nhìn nhận chất thải rắn xây dựng như là nguồn tài nguyên và cần tái sử dụng một cách hiệu quả. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tái sử dụng chất chất thải rắn xây dựng thành những vật liệu mới, phục vụ cho hoạt động xây dựng nhiều những công trình xây dựng khác nhau.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nói chung và chất thải rắn xây dựng nói riêng. Người đứng đầu các địa phương cần quan tâm, bổ sung vào quy hoạch vị trí các địa điểm xây dựng bãi tập kết xử lý chất thải rắn xây dựng và ban hành những quy định cụ thể để hướng dẫn các chủ đầu tư, người dân thực hiện. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực thi và nhanh chóng có những biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp vi phạm.

Với tốc độ xây dựng các công trình nhà ở, công trình giao thông như hiện nay, số lượng chất thải rắn xây dựng sẽ tiếp tục gia tăng. Câu hỏi đặt ra là, hiện nay các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải xây dựng đã làm hết trách nhiệm chưa? Đã có bao nhiêu trường hợp vi phạm bị xử lý? Hiện nay quy định về niên hạn của các công trình xây dựng như thế nào? Chế tài xử lý vi phạm đối với những công trình bị đập bỏ trước khi hết hạn sử dụng ra sao, có đủ sức răn đe trước nhiều công trình chỉ mới xây trong vòng mươi năm đã bị đập bỏ?

Nếu các cơ quan quản lý không sớm đưa ra những biện pháp và công cụ kiểm soát, môi trường sống của người dân tại các đô thị và khu vực xung quanh bãi thải sẽ chịu áp lực lớn từ phế thải xây dựng. Và nhất là làm nhanh chóng tiêu hao nguồn tài nguyên sử dụng trong xây dựng vốn đã, đang bị khai thác đến cạn kiệt.

Nhiều ý kiến chuyên gia ý cho rằng cần xây dựng thị trường tái chế vật liệu xây dựng, cần có những chính sách khuyến khích để xã hội hóa việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng, xây dựng cơ sở dữ liệu về số lượng chất thải xây dựng, nhất là cần chế tài nghiêm khắc từ khâu thiết kế, cam kết thời hạn sử dụng cụ thể cho từng loại công trình cả công lẫn tư, phải xem đó là những giải pháp để kiểm soát lãng phí và hạn chế lượng phế thải xây dựng ra môi trường.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Lãng phí tài nguyên nhìn từ góc độ xử lý phế thải xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới