Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ năm, 14/01/2021 16:15 (GMT+7)

Liên tiếp phát hiện voọc chà vá chân nâu tại rừng Bà Nà – Núi Chúa

Theo dõi KTMT trên

Liên tiếp trong các đợt tuần tra, kiểm tra rừng đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện ba đàn voọc chà vá chân nâu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng).

Mới đây, ông Quách Hữu Sơn, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết, liên tiếp trong các đợt tuần tra, kiểm tra rừng đầu năm 2021, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị phát hiện, ghi lại hình ảnh sự di chuyển của 3 đàn voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) với số lượng từ 5 - 6 cá thể/đàn.

Theo đó, các cá thể voọc chà vá chân nâu này được phát hiện tại tiểu khu 5, tiểu khu 30, khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 32 và tiểu khu 39 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

Liên tiếp phát hiện voọc chà vá chân nâu tại rừng Bà Nà – Núi Chúa - Ảnh 1
Nhiều cá thể Voọc chà vá chân nâu xuất hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. (Ảnh: Internet)

Cũng theo Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa: Từ năm 2016, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị đã phát hiện một số cá thể voọc chà vá chân nâu tại các tiểu khu 2, 13, 29 và 30 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Tuy nhiên, do không thể chụp được hình ảnh về các cá thể voọc chà vá chân nâu này nên chưa thể công bố. Trong các đợt kiểm tra rừng vào đầu năm 2021, đơn vị mới chụp được hình ảnh thực tế loài linh trưởng này.

Voọc chà vá chân nâu là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loài linh trưởng, thuộc Nhóm IB tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; thuộc loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2015), cần được ưu tiên bảo vệ.

Bán đảo Sơn Trà cách rừng Bà Nà - Núi Chúa khoảng 40 km, nằm tách biệt nhau ngăn cách bởi khu vực đô thị) được biết đến là nơi sinh sống voọc chà vá chân nâu với số lượng lớn khoảng 2.500 con. Theo các chuyên gia, việc phát hiện loài động vật hoang dã quý hiếm ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, phân bố ở nhiều nơi cho thấy điều kiện sinh sống và môi trường cũng như việc quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này tốt.

Đây là những phát hiện rất thuyết phục nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 3410/QD-UBND ngày 14/9/2020.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loài thú quý hiếm cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa ngày càng hiệu quả, rừng bình yên, được kiểm soát chặt chẽ, các hoạt động xâm hại trái phép ngày càng giảm thiểu.

Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh lục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa.

Voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông đặc trưng 5 màu nổi bật, loài vật này được mọi người gọi là voọc ngũ sắc và tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Voọc là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn dưới 2.000 cá thể, riêng Việt Nam chiếm 50%.

Ở Việt Nam, voọc chà vá chân nâu sinh sống từ Nghệ An đến Kon Tum trong các khu rừng nguyên sinh. Tại Sơn Trà - Đà Nẵng, đại gia đình voọc có khoảng 300 cá thể. Loài linh trưởng này sống theo gia đình, trung bình từ 5 - 7 thành viên, ở các tầng tán cao của rừng; Thức ăn chính là lá của các loài thực vật: đa, chò, dẻ, trâm trắng…

Tuy nhiên hiện nay, sự sống của voọc bị đe dọa nghiêm trọng vì bị mất và chia cắt sinh cảnh sống cũng như một số hoạt động du lịch không thân thiện với môi trường cũng như việc chặt phá rừng chưa được kiểm soát. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu du lịch, các công trình lấn sông, lấn biển làm thay đổi cảnh quan sinh thái, phá vỡ nơi cư trú của các loài sinh vật; sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai ảnh hưởng đến các quần thể động vật, thực vật bản địa; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương còn nhiều hạn chế.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Liên tiếp phát hiện voọc chà vá chân nâu tại rừng Bà Nà – Núi Chúa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới