Liên tục 'lùm xùm' về bữa ăn học đường, làm sao để cải thiện?
Hàng loạt những vụ "lùm xùm" về sữa học đường, chất lượng bữa ăn trưa tại trường học trong thời gian gần đây liên tục xảy ra khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn thể chất của con nhỏ. Đã đến lúc vấn đề VSATTP và chất lượng bữa ăn của học sinh cần được giám sát một cách nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 2.800 trường học có bếp ăn bán trú. Đa số bếp ăn nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo từng lứa tuổi. Nguồn nước sử dụng hằng ngày hợp vệ sinh. Nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Dù vậy, đâu đó vẫn xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm từ các bếp ăn trường học.
Khi bữa ăn học đường không đảm bảo chất lượng
Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học lại “nóng” như thời gian gần đây. Chỉ từ năm 2018 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng khiến dư luận lo lắng.
Điển hình, cuối tháng 2/2019, clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt. Sau vụ việc, hàng trăm học sinh đã được đưa đi xét nghiệm và nhiều em được xác đinh là dương tính với sán lợn.
Hình ảnh thịt lợn nổi hạch như hạt gạo tại Trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh được phụ huynh lan truyền. (Ảnh: PHCC) |
Trước đó, vụ hơn 200 học sinh trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị ngộ độc thực phẩm tập thể vào tháng 11/2018 khiến dư luận hoang mang. Điều này cho thấy, có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát dẫn đến thực phẩm chưa đạt chuẩn lọt vào trường học.
Mới đây, phụ huynh trường Tiểu học Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh suất ăn chính cho học sinh chỉ có vài miếng đậu phụ rán, vài viên chả viên giống như loại chả đông lạnh, ít rau su hào, cà rốt xào, canh và cơm trắng. Hình ảnh này được phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Một phụ huynh đưa hình ảnh suất ăn bán trú thiếu dinh dưỡng của trường Tiểu học Đức Thắng lên mạng xã hội. |
Ngoài ra, vào ngày 21/11, khi đại diện ban phụ huynh trường đi kiểm tra bếp ăn, chụp lại hình ảnh dầu ăn không có tem mác đựng trong các can nước khoáng. Khi phụ huynh thắc mắc về nguồn gốc, đại diện nhà bếp mang ra một số can dầu Meizan nhưng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ mua hàng hợp lệ.
Cũng trong hôm đó, đại diện ban phụ huynh nhìn thấy tại nhà bếp của trường 1 thùng carton đựng nguyên liệu màu nâu đất, không tem nhãn mác và chảo dầu có màu đen. Họ cho rằng đây là dầu được tái sử dụng nhiều lần và vẫn được dùng để nấu ăn cho các em.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, nhiễm bệnh của học sinh khi sử dụng thực phẩm tại trường học khiến dư luận đang dấy lên nỗi lo về bữa ăn học đường liệu có đảm bảo.
Với bất kỳ lý do gì thì việc đưa thực phẩm không đảm bảo vào trường học là một việc làm bất nhẫn, vô nhân tính. Vệ sinh thực phẩm trong trường học cần trải qua nhiều khâu, với nhiều đơn vị, cá nhân kiểm định chất lượng. Và, tất cả các đơn vị, cá nhân này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thực phẩm cho học sinh.
Khoảng 500 trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tới khám, xét nghiệm sán lợn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. |
Người chịu trách nhiệm đầu tiên, nặng nhất phải là nhà trường và các đơn vị cung cấp thực phẩm. Bởi họ là khâu cuối cùng, trước khi đưa thực phẩm đi chế biến cho học sinh. Nhà trường chính là đơn vị cam kết với phụ huynh học sinh trước khi cho con em tới trường.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Khi xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học là điều không mong muốn của tất cả các đơn vị, phải nhanh chóng khắc phục, đưa học sinh đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Sau đó, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể xem vấn đề nằm ở đâu, truy trách nhiệm cụ thể và để lần sau không lặp lại những vấn đề tương tự. Nếu vội vàng quy chụp do nguyên nhân này, nguyên nhân kia cũng chưa thể chắc chắn hiệu quả”.
Để những bữa ăn bán trú cho học sinh được an toàn
Có lẽ câu chuyện suất ăn bán trú của học trò trong những năm qua dư luận đã nghe, đã thấy khá nhiều. Những phản ánh của phụ huynh được đưa lên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gần như bao giờ cũng đặt ra một câu hỏi: liệu rằng bữa ăn của học sinh có tương xứng với số tiền mà họ đã đóng cho nhà trường?
Đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn học đường để trẻ phát triển khỏe mạnh. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bữa ăn của học sinh cần có đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng nhiều loại thực phẩm, bảo đảm nhu cầu cả về số lượng, chất lượng và tỉ lệ cân đối của các thành phần dinh dưỡng.
Việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh và gián tiếp hủy hoại một thế hệ tương lai của đất nước. Do vậy, đã đến lúc cần sự vào cuộc thực sự của nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Chất lượng bữa ăn của học sinh cần được giám sát một cách nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch để đảm bảo sức khỏe cho những mầm non tương lai của đất nước.
Nguyễn Luận