Lộ trình Malaysia xây dựng Thành phố Rừng trên các đảo
Nhằm đối mặt với những thách thức về môi trường, quốc gia này đã thực hiện dự án đô thị mang tên "Thành phố Rừng".
Ý thức được vai trò của sự phát triển đô thị đối với đời sống kinh tế xã hội, Malaysia đã tiến hành xây dựng 4 hòn đảo nhân tạo từ vùng biển thuộc eo biển Johor thành hệ thống các thành phố thông minh có kinh phí hàng trăm tỉ USD.
Nhằm kết nối các hòn đảo với nhau, Chính phủ Malaysia đã cho xây dựng một tuyến đường giao thông trên cao. Chính con đường này đóng vai trò liên kết Malaysia và Singapore.
Với vị trí nằm trên cả 4 hòn đảo nhân tạo, Thành phố Rừng được quy hoạch bởi đối tác Sasaki, đồng thời được tài trợ bởi một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Country Garden.
Dự kiến, khi được hoàn thành vào giữa những năm 2030, thành phố mới trị giá 100 tỉ USD này sẽ trở thành nơi sinh sống của 700.000 người với hơn 200.000 việc làm.
Trong quá trình quy hoạch, vị trí dự án đã được tính toán bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ đất nông nghiệp cũng như rừng ngập mặn ven biển trong khu vực. Nổi tiếng với số lượng các loại cỏ biển và rong biển đa dạng, Thành phố Rừng có thể xem như một môi trường sinh thái lý tưởng cho các loài cá nược và rùa biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.
Hệ thống module xanh thông minh cùng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, concept 3D nhiều lớp tiên tiến dự kiến sẽ được thiết lập tại Thành phố Rừng. Nhờ hệ thống này, không chỉ các bãi đậu xe mà ngay cả các trục đường chính cũng sẽ được bao phủ bởi một tầng cây xanh ở các quận trung tâm trong thành phố.
Nhằm cắt giảm khí thải và tăng chất lượng các tòa nhà mới, Malaysia đã tiến hành thúc đẩy nền xây dựng công nghiệp hóa như một tiêu chí cho phát triển bền vững.
Theo đó, đối tác Country Garden đến từ Quảng Đông, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng riêng một công trình phục vụ cho chương trình xây dựng công nghiệp hóa mới.
Cơ sở này đóng vai trò sản xuất ra một loạt các vật liệu xây dựng bền vững như cầu thang, ban công, cột nhà, v.v. cho các công trình trong Thành phố Rừng.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần tạo nên không gian trong lành hơn, một số dự án khu dân cư lớn đã được thiết lập nhằm tích hợp và gia tăng đáng kể số lượng cây cối và thực vật trong ban công và sân thượng chung của từng hộ gia đình.
Mong muốn tạo ra mô hình đô thị thông minh của Chính phủ Malaysia nằm ở việc ứng dụng các công nghệ hỗ trợ việc quản lý không gian công cộng, dịch vụ cư dân của thành phố. Các tòa nhà vì vậy mà được thiết kế theo tiêu chuẩn dân cư cao nhất.
Ngoài việc giảm kích thước trong quá trình quy hoạch hòn đảo thứ 2, các nhà phát triển Country Garden sẽ trồng một đồn điền cỏ biển rộng 250 ha, 9 km rừng ngập mặn và 10 km vịnh nhỏ cùng bãi bồi nhằm giúp hỗ trợ nghề cá có vỏ, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân trong khu vực.
Nhà khoa học Paul Johnston thuộc tổ chức Hòa bình Xanh nói: “Dự án có thể thay đổi sinh thái của toàn bộ khu vực một cách sâu sắc”.
Nguyễn Linh (T/h)