Chủ nhật, 24/11/2024 06:07 (GMT+7)
Thứ ba, 08/06/2021 13:00 (GMT+7)

Lộ trình xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh

Theo dõi KTMT trên

Bộ TN&MT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.

Theo đó, Quy hoạch quản lý chất lượng không khí được xem như biện pháp quan trọng để giải quyết ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phải kiểm soát được chất lượng không khí

Bước đầu của kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT tập trung vào việc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện về lập báo cáo, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay, dự thảo báo cáo đã hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp thông tin từ 8 Bộ, 44 địa phương vào tháng 12/2020.

Lộ trình xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh - Ảnh 1
Khí thải từ phương tiện giao thông - “thủ phạm” gây ra ô nhiễm môi trường, không khí các đô thị.

Tại công văn số 3051/BTNMT-TCMT ban hành ngày 7/6/2021, Bộ TN&MT đề nghị UBND các địa phương nghiên cứu, tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh và ban hành để triển khai thực hiện.

Lộ trình thực hiện của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được xác định trên cơ sở phạm vi, mức độ ô nhiễm không khí, các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí và các điều kiện, nguồn lực thực hiện.

Cụ thể, quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo 6 bước: Bước 1 - đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí. Bước 2 - xác định mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí. Bước 3 - xác định, phân tích chi phí - hiệu quả, đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được ưu tiên thực hiện. Bước 4 - đề xuất các nội dung và lộ trình thực hiện của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Bước 5 - tham vấn dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Bước 6 - Hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Đối với bước 1, Bộ TN&MT đã chia thành nhiều mục nhỏ, bao gồm đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí bằng các nguồn dữ liệu quan trắc môi trường; Thực hiện kiểm kê phát thải để xác định các nguồn khí thải chính.

Đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí bằng mô hình khuếch tán; Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng; Đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; Tổng hợp kết quả, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí.

Ở bước 2 - Xác định mục tiêu của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ TN&MT nêu rõ mục tiêu là hướng dẫn sử dụng dữ liệu quan trắc giá trị nồng độ của các thông số cơ bản trong môi trường không khí xung quanh, so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT, kết quả đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí để xác định mục tiêu của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Với các bước còn lại, công văn của Bộ cũng nêu lên những mục tiêu và phương pháp thực hiện cụ thể; Kèm theo đó là các nhóm các giải pháp kỹ thuật, nhóm các giải pháp kinh tế; Nhóm các giải pháp tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.

Các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được đề xuất ưu tiên thực hiện cần xem xét phù hợp với lộ trình, điều kiện và nguồn lực, các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương. Lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu hướng dẫn, tổ chức xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh và ban hành để triển khai thực hiện.

Việc đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí dựa trên các chỉ số như mức phát thải hàng năm (tấn/năm) đối với các thông số lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ oxit (Nox), Cacbon monooxit (CO), bụi mịn PM10, bụi mịn PM2.5 từ các nguồn phát thải (nguồn điểm, nguồn di động, nguồn diện). Giá trị nồng độ trung bình của các thông số SO2, nitơ đioxit (NO2), CO, Ozone (O3), PM10, PM2.5,… trong môi trường không khí xung quanh so với giá trị giới hạn theo Quy chuẩn Việt Nam; Giá trị nồng độ các chất ô nhiễm tại thời điểm đánh giá giảm được bao nhiêu µg/m3 so với thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch. Đặc biệt, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí còn được đánh giá theo tỉ lệ (%) số người mắc các bệnh đường hô hấp (có nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường không khí) trên tổng dân số của địa phương.

Hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải 

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, Kế hoạch đã đề ra mục tiêu tổng quát hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Để làm được điều này, trước hết là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông.

Trong kế hoạch này, Bộ TN&MT cũng chú trọng vấn đề rà soát, hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời phải rà soát, báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện lộ trình áp dụng Quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2021 phải thực hiện hoàn thành xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường. Tổ chức nghiên cứu xây dựng và trình ban hành các quy định về chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ thân thiện với môi trường trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Bộ TN&MT cũng nêu, trong năm 2021 phải rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí. Xây dựng và trình ban hành các quy định về quản lý chất lượng không khí trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Điều 12, 13 và 14 của luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cần tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí và công bố kết quả quan trắc cũng như kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.

Bộ TN&MT cho rằng, phải khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường Quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.

Chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.Từ 1/1/2022, các loại xe ô tô láp ráp, sản xuất trong nước và nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải mức 5.

Đây là mức cao nhất trong lộ trình đã đề ra, tương ứng với mức Euro 5 trong quy định kỹ thuật của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc cũng như trong chỉ thị của Liên minh châu Âu về khí thải xe cơ giới sản xuất mới. Hiện tại, từ năm 2017 các xe sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải tương ứng mức Euro 4.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Lộ trình xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới