Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ hai, 18/09/2023 22:54 (GMT+7)

Loạt công trình trọng điểm miền Tây “treo đứng” vì thiếu cát san lấp

Theo dõi KTMT trên

Thiếu hụt nguồn cát san lấp là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án giao thông trọng điểm tại miền Tây bị đình trệ, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự kiến. Thủ tướng Chính Phủ đã nhanh chóng ban hành công điện để giải quyết tình trạng trên.

Từ dự án dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Theo thông tin từ phía Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư hai dự án thành phần tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cho biết, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang cần xử lý gần 40km nền đất yếu với tổng khối lượng cát cần đắp hơn 3,6 triệu m3.  

Trong khi đó đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần xử lý gần 92km nền đất yếu. Tổng khối lượng cát cần đắp hơn hơn 13 triệu m3 và tổng khối lượng đào hơn 2,3 triệu m3. Đến giữa tháng 5, tuyến Cần Thơ - Hậu Giang chậm 3.3% so với dự tính, tuyến Hậu Giang - Cà Mau chậm 1.5% so với kế hoạch. 

Loạt công trình trọng điểm miền Tây “treo đứng” vì thiếu cát san lấp - Ảnh 1
Nhiều dự án cao tốc tại miền Tây chậm tiến độ vì thiếu cát san lấp. 

Ban quản lý cũng cho biết, nguyên nhân dự án cao tốc chậm tiến độ là do nguồn cung cát san lấp bị hạn chế, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số nhà thầu cũng chưa chủ động, quyết liệt trong việc giải quyết khó khăn như cam kết. 

Theo chỉ đạo  của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí cung ứng cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau 7 triệu m3 cát, riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3. Hiện tỉnh An Giang đã cung ứng cho dự án được 1,1 triệu m3 cát.

Và tới đường tỉnh 918 

Trong khi đó, vị Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, dự án đường tỉnh 918  và dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang thiếu khoảng 7 triệu m3 cát.

Chính vì thiếu vật liệu san lấp mà các dự án bị chững lại cùng với khó khăn trong giải tỏa mặt bằng làm chậm tiến độ thi công.

Đáng chú ý đây là những công trình giao thông trọng điểm của thành phố nhưng đã kéo dài nhiều năm mà chưa hoàn thành được. 

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, kết nối từ Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự tính ban đầu tổng nhu cầu vật liệu cho dự án gồm cát đắp nền đường khoảng 29,73 triệu m3; cát xây dựng khoảng 0,99 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,48 triệu. 

Loạt công trình trọng điểm miền Tây “treo đứng” vì thiếu cát san lấp - Ảnh 2

Dự kiến hướng tuyến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Anhr: Cổng thông tin tỉnh An Giang. 

Hiện nguồn cát tại tỉnh An Giang đang thiếu hụt mặc dù căn bản có thể đáp ứng được dự án thành phần nhưng do có nhiều dự án đang triển khai nên trữ lượng bị ảnh hưởng. Chính vì thế cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang phải cầm chừng vì thiếu cát đắp nền. 

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Cần Thơ đã gửi công văn cho hai tỉnh An Giang và Đồng Tháo để hỗ trợ nguồn vật liệu. Thời điểm tháng 6/2023, UBND tỉnh chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ tỉnh An Giang. 

Dự án Chống sạt lở bờ biển huyện An Minh, Kiên Giang 

Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Long An chia sẻ dự án Chống sạt lở bờ biển huyện An Minh, Kiên Giang đang triển khai sẽ gặp nhiều bất lợi vì tình trạng khan hiếm cát phổ biến. Các nhà thầu phải mua với giá chênh lệch ít nhất 100.000 đồng/m3. Các dự án dân dụng như trường học, bệnh viện cũng bị ảnh hưởng. 

Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tại An Giang cũng đang trong tình trạng “ngóng cát”. Vì khan hiếm nguồn hàng mà chủ đầu tư phải rất khó khăn để tiếp cận nguồn cát, giá cát bị đẩy lên cao, có thời tiết xấp xỉ 400.000 đồng/m3. 

Hành động cấp tốc

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 794/CĐ-TTg về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.  

Cụ thể giao Bộ Giao thông và vận chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ hoặc có thể san nền các khu công nghiệp, khu đô thị,… để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới; đồng thời, việc sử dụng cát biển phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường của việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc; tính toán, xác định và khoanh các vùng cát biển, hướng dẫn trình tự, thủ tục thăm dò, khai thác, đánh giá tác động môi trường để kịp thời khai thác phục vụ thi công các dự án đường cao tốc và công trình xây dựng hạ tầng khác ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá.

Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, ông Hoàng Hà cho biết giai đoạn 2022-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 36 triệu m3 cho 4 dự án  đường cao tốc. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay trữ lượng cát tại các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long thời kỳ này chỉ còn khoảng 5, 6 triệu m3. 

"Cung không đủ cầu, dẫn tới tình trạng khan hiếm cát đắp nền đường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Có thời kỳ giá cát đắp nền công bố 80.000 đồng/m3, nhưng trên thị trường giá lên tới 240.000 đồng/m3, gấp 3 lần, không nhà thầu nào dám làm", ông Hoàng Hà lý giải giá cát tăng cao. 

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Loạt công trình trọng điểm miền Tây “treo đứng” vì thiếu cát san lấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới