Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 15:34 (GMT+7)

Lời cầu nguyện của rừng

Theo dõi KTMT trên

Khủng khiếp, bất ngờ, tàn khốc, tang thương... Đó là những tính từ được lặp đi lặp lại khi những trận lũ đổ về.

Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Dù rằng thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện lại làm mất rừng, khiến lũ lụt, lũ quét xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn, nhất là khi thủy điện buộc phải xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Liên tiếp những năm gần đây, hàng loạt cơn lũ, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều địa phương bị phá rừng trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, khiến hàng trăm người chết và mất tích; hàng nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, hàng vạn hécta lúa, hoa màu bị ngập úng, mất trắng, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Thực trạng diễn biến môi trường thời gian qua cho thấy, được điện thì mất rừng và mất nhiều hơn thế. Rừng mất khiến lũ lụt gia tăng, đất đá sạt lở, môi trường sống bị thay đổi, gây chết người, cuốn trôi đi nhà cửa, tài sản…

“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” - câu nói của người xưa xem ra quá đúng với thời cuộc. Nước mắt kẻ "ăn rừng", sớm muộn, có thể "rưng rưng" hay chẳng kịp "rưng rưng". Nhưng, người dân miền núi, người dân vùng lũ vẫn chưa thôi vừa cạn dòng nước mắt, nước mắt lại lã chã tuôn rơi.

Lời cầu nguyện của rừng - Ảnh 1
Hiện trường vụ sạt lở đất ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam).

Nói về rừng, hẳn trong ngành lâm nghiệp ai cũng biết hoặc nghe nói đến bài thơ Lời cầu nguyện của rừng của tác giả Bùi Bá (B.B). Sau đây là nguyên văn bài thơ: 

Người hỡi! 

- Người có biết, những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng; 

- Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàn mát rượi ánh thiêu nung; 

- Người có biết, dưới sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dãi nắng mưa chan;

- Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng; 

- Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu; 

- Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nảy nở hoa màu. 

- Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru. 

- Rồi ta sẽ tiễn người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu. 

Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện, 

Chớ hại ta mà vũ trụ âu sầu. 

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi. 

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; trận cát bay làn gió bốc tung trời.

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian. 

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than. 

Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong. 

Ta tô điểm non sông nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng 

(Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ, chống xâm lăng ta kháng chiến oai hùng) 

Người hỡi! 

Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm, 

Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong! 

Vài nét về tác giả Bùi Bá B.B tức kỹ sư Bùi Bá, sinh năm 1918 và mất vào năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông lâm Brévié Hà Nội năm 1940. Ông đã giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ lâm nghiệp thuộc Bộ lâm nghiệp và sau đó là chuyên viên cao cấp tại Bộ.

Được biết giáo sư Lê Văn Ký, hiện giảng dạy tại trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh (Thủ Đức) biết rõ xuất xứ về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, và được phép của Giáo sư, chúng tôi xin đăng tải về nguồn gốc bài thơ mà Giáo sư đã sưu tập được.

Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục khai giảng vào tháng 12 năm 1955 gồm có ba ngành Nông - Lâm - Súc. Năm 1957, anh Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư thủy lâm lão thành ở Huế, có gửi tặng trường bảng Danh từ lâm học Pháp Việt cùng với bài thơ Lời cầu nguyện của rừng của anh Bùi Bá; hai tài liệu này anh Đính đã mang từ Bắc về khi đi dự một hội nghị về lâm nghiệp ở miền Bắc.

PV

Bạn đang đọc bài viết Lời cầu nguyện của rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới