Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/04/2022 14:00 (GMT+7)

Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng

Theo dõi KTMT trên

Tình rạng phá rừng với quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khiến môi trường, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt; các loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất ngày càng trầm trọng.

Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn

Ngày 1/4, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện vụ phá rừng trên diện tích gần 100 ha tại tiểu khu 205, nằm giữa 2 xã Ia Rvê và xã Ya Tờ Mốt thuộc huyện Ea Súp. Hiện trường ghi nhận, cây rừng có đường kính từ 5 - 20 cm bị cưa hạ nằm ngổn ngang. Theo ông Nguyễn Thiên Văn – Bí thứ Huyện uỷ Ea Súp, diện tích rừng bị phá do xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như xa khu dân cư, các đối tượng đã tổ chức phá trên diện rộng với mục đích chiếm đất.

Trước đó, vào ngày 17/3 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Bảo Lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 tiến hành mật phục, bắt quả tang 2 đối tượng là Nguyễn Doãn Trung (quê Nghệ An) và Phan Văn Thanh (thường trú thôn 5, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đang điều khiển 1 máy múc thực hiện hành vi đào bới, san gạt trái phép đất lâm nghiệp trên diện tích rừng đã cưa hạ trước đó.

Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng - Ảnh 1
Hiện trường vụ phá gần 100 ha rừng ở Đắk Lắk.

Cơ  quan chức năng xác định khu vực bị phá rừng trên thuộc lâm phần do doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý. Diện tích rừng bị phá khoảng 1,9 ha. UBND huyện Bảo Lâm đã tiến hành họp kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá 1,9 ha rừng tại lô k và m, khoảnh 4, tiểu khu 613, xã Lộc Phú.

Tại tỉnh Đắk Nông, thời điểm tháng 7/2021, cơ quan chức năng huyện Đắk G'Long cũng đã phát hiện vụ phá rừng với quy mô lớn. Sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, kết quả cho thấy rừng tự nhiên bị phá trái pháp luật với diện tích 6.820 m2, mức độ thiệt hại 85%.

Theo thống kê của ngành chức năng huyện Krông Bông, tỉnh Đak Nông, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện xảy ra khoảng 440 vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, làm thiệt hại gần 110 ha rừng.

Thời gian vừa qua, các ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương đều có những chỉ đạo sâu sát, những phương án quyết liệt để ngăn chặn nặn phá rừng. Thế nhưng, vấn nạn chặt phá rừng hiện nay ngày càng diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Phá rừng gây ra hệ lụy nghiêm trọng

Tây Nguyên có tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 5,5 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích rừng cả nước, là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng tại khu vực Tây Nguyên chiếm vị trí vô cùng quan trọng, gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho khu vực và các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và toàn vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng Cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 – 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.238 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm sẽ mất đi khoảng 2.430 ha rừng.

Nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng - Ảnh 2
Ảnh hưởng của phá rừng gây hệ luỵ khó lường.

Việc chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn nếu tiếp tục xảy ra sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như làm mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, tác động làm biến đổi địa hình, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm,…

GS Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam, cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

Ông Lung còn cho rằng: “Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40 - 50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80 - 90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10 - 20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Cũng theo ông, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20 - 50% so với rừng tự nhiên”.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; Trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Nạn phá rừng còn khiến tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; Khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.

Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp nông thôn cũng chỉ ra rằng, thực tế rừng tăng diện tích, đồi núi trọc giảm dần, nhưng các năm qua nước ta vẫn bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Rừng trồng phòng hộ chất lượng số lượng chưa đảm bảo. Rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá, khai thác bừa bãi không duy trì được cấu trúc tự nhiên giảm thiểu khả năng phòng hộ.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới