Miền Trung chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; Tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn
Từ ngày 8/11 đến 14/11 tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có mưa to đến rất to, lũ các sông lên BĐ1, BĐ2, có sông trên BĐ3 đã gây ngập lụt, sạt lở một số khu vực; Dự báo từ ngày 15/11 đến ngày 18/11, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm; Quảng Trị, Khánh Hòa phổ biến 70 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Ngập lụt đã gây chia cắt một số điểm tại đường tỉnh ĐT 639, 636, 640 tại tỉnh Bình Định; Đường tỉnh ĐT 650 tại tỉnh Phú Yên; Sạt lở tại Quốc lộ 1D, 27C, đường tỉnh ĐT 633 và một số điểm giao thông nông thôn tại Bình Định và đường tỉnh ĐT 642, 646 tỉnh Phú Yên.
Trong đó, tại tỉnh Bình Định, mưa lớn kéo dài làm nước lũ trên các sông Kôn, Hà Thanh lên nhanh, dâng cao, gây ngập nhiều khu dân cư ở các vùng hạ lưu. Hiện đã có hàng trăm căn nhà ở TP.Quy Nhơn bị ngập nước. Nhiều khu vực thuộc các phường Ghềnh Ráng, Nhơn Phú của TP.Quy Nhơn bị ngập 0,5-0,8 m, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu trong lũ, không thể đi lại.
Theo đó, nhiều khối đất đá trên núi Vũng Chua ven quốc lộ 1D đổ xuống mặt đường trong khi nhiều phương tiện đang lưu thông. Nhiều khối đất đá cùng cây cối từ trên núi theo nước mưa đổ ập xuống, chắn phần lớn mặt đường, khiến việc lưu thông rất khó khăn. Mưa lớn hai ngày qua cũng làm một số nơi ở các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, TP.Quy Nhơn xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Dự báo, từ nay đến 18/11 dự báo trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 1(BĐ1) và trên BĐ1; Các sông ở Quảng Nam và Phú Yên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; Các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
Chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và giảm nhẹ thiệt hại
Trước tình hình đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ.
Cụ thể, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; Tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa, lũ vừa qua.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; Kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ;
Bên cạnh đó, rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; Tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.
Tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông;
Các cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; Công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Đặc biệt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủyban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến mưa lũ ngày càng bất thường, khó dự báo, đặc biệt là mưa lớn cục bộ với cường suất lớn, cấp tập chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo nhận định của ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ nay đến cuối năm, mưa lớn ở các tỉnh miền Trung vẫn sẽ xảy ra, trọng tâm trọng điểm ở Quảng Bình cho đến Khánh Hòa, thời điểm mưa cấp tập tập trung trong tháng 11; Sang tháng 12 vẫn có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to do không khí lạnh tăng cường hoặc những cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và di chuyển vào.
"Dự báo từ nay đến cuối năm có khả năng còn 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta", ông Năng thông tin thêm.
Lan Anh (T/h)