Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ năm, 25/02/2021 17:34 (GMT+7)

Mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi KTMT trên

Trong năm 2021, dự kiến thu tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ đạt 2.800 tỉ đồng, giúp đảm bảo duy trì quản lý, bảo vệ 6,5 triệu ha rừng (chiếm 44% diện tích rừng của cả nước). Đồng thời, thí điểm thu tiền đối với dịch vụ lưu trữ, hấp thụ các-bon từ rừng.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, năm vừa qua, cả nước thu được trên 2.566 tỉ đồng tiền DVMTR, đạt 91% kế hoạch. Trong đó, Trung ương thu trên 1.604 tỉ đồng, địa phương thu trên 962 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, đã có thêm hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Riêng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, hiện đã có 25 tỉnh, thành phố xác định được danh sách các cơ sở phải nộp tiền DVMTR, ký được 214 hợp đồng với số tiền thu được là 3,65 tỉ đồng, nâng tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR trên cả nước lên 871 hợp đồng.

Mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1
Công tác thu phí DVMTR để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn

Tuy vậy, theo phản ánh của ngành lâm nghiệp các địa phương, hiện nay, tại nhiều nơi, công tác thu phí DVMTR để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thực tế,nguồn thu của các loại hình dịch vụ này mới tập trung chủ yếu vào hai loại chính là thủy điện và du lịch. Năm 2020, ngành du lịch hầu như ngưng trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số hồ thủy điện lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chịu ảnh hưởng lớn từ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Ngoài số ít địa phương có các doanh nghiệp thủy điện lớn thì còn lại hầu hết là nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất thấp nên tiền đóng góp cho DVMTR không nhiều. Để đẩy mạnh công tác  trồng rừng sản xuất, nhiều hộ gia đình phải vay vốn ngân hàng, trong khi việc thu hồi vốn đối với rừng sản xuất khá lâu, có khi còn gặp rủi ro do thiên tai, cháy rừng…

Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu DVMTR. Nền kinh tế đất nước bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Do đó, quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng chưa được ban hành. Việc thu tiền DVMTR đối với cơ sở công nghiệp là các nhà máy nhiệt điện chưa thể tiến hành do sản phẩm của nhiệt điện là điện năng, phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá điện làm căn cứ triển khai. Một số đơn vị sử dụng DVMTR còn chậm nộp tiền từ những năm trước chưa thu được, gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu chi và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng tại địa phương.

Cũng trong năm qua, công tác kiểm toán hoạt động và tài chính đã được thực hiện trong hệ thống Quỹ cho giai đoạn 2011 -2019, cụ thể tại Quỹ Trung ương và 3 Quỹ tỉnh (Đắk Lắk, Kon Tum, Điện Biên). Kiểm toán Nhà nước khẳng định, chính sách chi trả DVMTR và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là có hiệu quả trong việc huy động nguồn lực phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng với cơ chế tài chính và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn đầy đủ, phù hợp.

Mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 2
Năm 2021, dự kiến thu tiền DVMTR sẽ đạt 2.800 tỉ đồng, giúp đảm bảo duy trì quản lý, bảo vệ 6,5 triệu ha rừng. 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, năm 2021 sẽ tiếp tục rà soát hồ sơ để trình Chính phủ ban hành quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc chi trả tiền DVMTR đến tận người dân; đôn đốc, hướng dẫn thu các loại DVMTR mới, cùng với đó là nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác để phát triển thêm các nguồn thu mới; hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích đối với nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, số tiền thu được trên chưa phản ánh đầy đủ giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng mang lại. Thời gian tới, cần mở rộng đối tượng thu như dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng trên sông, hồ; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon trong nước và bán tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới… tránh phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện như hiện nay.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới